Tiếp tục chuyến công tác tại Quảng Ninh, sáng 3/4, tại thành phố Hạ Long, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh.

pho-thu-tuong-1.jpg
Ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Chính phủ một số vấn đề

Thay mặt tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh, đã báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, an sinh xã hội của tỉnh năm 2013 và quý I/2014 có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế đạt 7,5% (bình quân cả nước 5,4%), tổng thu ngân sách tăng so với cùng kỳ (đạt 43.184 tỷ đồng), thu nội địa đạt 15.593 tỷ đồng (tăng 16%)…

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh cũng tập trung triển khai 3 đột phá chiến lược, đó là cải cách hành chính, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển nguồn nhân lực. Triển khai cụ thể 3 giải pháp trên, Quảng Ninh đã đưa vào hoạt động trung tâm hành chính công của tỉnh và 5 trung tâm hành chính công thành phố trực thuộc tỉnh.

Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng chính quyền điện tử với việc tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, bảo đảm xây dựng chính quyền điện tử theo từng giai đoạn phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cung cấp các dịch vụ trực tuyến mức độ cao cho người dân, hướng đến nền hành chính minh bạch, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Các trung tâm hành chính công của tỉnh hoạt động theo cơ chế “Một thẩm định-Một phê duyệt” với nguyên tắc “Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hoạt động” với mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh nhưng do Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành toàn diện.

Về tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống AIDS và tệ nạn xã hội, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thẳng thắn nhìn nhận tình hình tội phạm vẫn tiềm ẩn phức tạp. Tình hình buôn lậu và gian lận thương mại tuyến biên giới đã được ngăn chặn quyết liệt nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tội phạm ma tuý vẫn diễn biến phức tạp khu vực biên giới, tuyến giao thông và địa bàn trọng điểm, đã phát hiện nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý với khối lượng lớn, hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia…

Là địa bàn nóng về dịch HIV/AIDS, đến nay đại dịch AIDS đã lan đến 14/14 thành phố, thị xã, huyện trong tỉnh. Vấn đề đáng báo động là đối tượng lây nhiễm có xu hướng chuyển dần sang nhóm đối tượng ít nguy cơ. Tuy nhiên, do làm tốt công tác phòng, chống, đến nay, tỷ lệ nhiễm HIV mới ở Quảng Ninh giảm 20% so với năm 2010; tỷ lệ chết do AIDS giảm 30% so với năm 2010; là tỉnh đứng thứ 3 toàn quốc trong bao phủ điều trị ARV.

Bên cạnh đó, công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại được các lực lượng chức năng của hai nước trên tuyến biên giới được tăng cường, ngăn chặn kịp thời hàng hoá nhập lậu qua biên giới. Năm 2013, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 4.435 vụ (bằng 91,1% so với năm 2012), khởi tố 100 vụ với 230 đối tượng, xử lý hành chính 4.335 vụ, tổng giá trị hàng hoá tịch thu và xử phạt  hơn 115 tỷ đồng, tổng giá trị hàng hoá tiêu huỷ trên 12 tỷ đồng.

Thay mặt Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nếu một số kiến nghị: Thứ nhất, Chính phủ và các Bộ ngành ủng hộ những cải cách về thể chế, hành chính, hạ tầng, bằng cách ủng hộ, chia sẻ và hướng dẫn những vấn đề còn tồn tại trong những việc mà tỉnh đang làm. Thứ hai, thí điểm Trung tâm hành chính công, giai đoạn 1 là một cửa, một dấu, giai đoạn 2 tỉnh đang tiến tới nâng cấp Trung tâm này trở thành Trung dịch vụ hành chính công, để làm được như vậy tỉnh phải có những quy định chặt chẽ, cụ thể về con người, cách vận hành, quản lý. Thứ ba, yêu cầu có chế tài mạnh mẽ hơn nữa về tài nguyên để ngăn chặn được tội phạm liên quan đến vấn đề này. Cuối cùng là nghiên cứu, thí điểm cho Quảng Ninh được đưa y tế và giáo dục làm dịch vụ”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tỉnh Quảng Ninh có nhiều bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, nhiều sáng tạo mới, cách làm mới, hiệu quả cao; nhất là quyết tâm chính trị cao của các cấp lãnh đạo với các giải pháp quyết liệt, đã tạo ra nhiều thành quả và dấu ấn cho Quảng Ninh thời gian qua và trong tương lai.  Phó Thủ tướng chỉ rõ, để tạo môi trường và cuộc sống bình yên cho nhân dân, tỉnh phải tập trung giải quyết, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Kiên quyết không để cho băng nhóm tội phạm lộng hành, nếu để xảy ra phải xử lý kỷ luật người đứng đầu địa bàn đó. Công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại mạnh mẽ hơn nữa với việc làm trong sạch đội ngũ, xử lý nghiêm bất cứ cá nhân nào vi phạm, thi hành chế tài mạnh đối với buôn lậu, gian lận thương mại.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cần tập trung hoàn thiện mô hình trung tâm hành chính công, phải làm gương cho cả nước trong vấn đề này, từng bước thay cho mô hình “một cửa, một cửa liên thông”, từng bước tiến dần tới mô hình trung tâm dịch vụ hành chính công để tách quản lý Nhà nước với phần dịch vụ công. Khi mô hình trung tâm này phát huy hiệu quả sẽ nhân rộng ra các tỉnh, thành phố khác.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Đừng để Trung tâm hành chính công chỉ là bộ phận văn thư. Tuy có tiến bộ khi đưa các lĩnh vực vào giải quyết một cửa một dấu, những vì là lĩnh vực lớn nên tỉnh cần nghiên cứu phát triển kỹ hơn. Về đề án phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trên địa bàn Quảng Ninh, tôi đề nghị các lãnh đạo tỉnh cần quan tâm hơn về vấn đề này vì Quảng Ninh là nơi trung chuyển các loại tội phạm. Đối với đề án tinh giản bộ máy công chức, viên chức; đề án về mô hình, tổ chức, bộ máy của Trung tâm hành chính công, Chính phủ hoàn toàn ủng hộ”.

Đối với một số kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành tổng hợp, nghiên cứu giải pháp, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.