Sáng 3/4, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và Chương trình đối tác tư pháp thuộc Dự án do Liên minh Châu Âu, Đan Mạch, Thụy Điển đồng tài trợ phối hợp tổ chức hội thảo “Phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp – Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới”.

tu-phap.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tham dự có các chuyên gia trong nước và quốc tế; lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, cơ quan tư pháp trung ương và đại diện ban nội chính, tòa án, viện kiểm sát các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế và trong nước đã trình bày, thảo luận về phương pháp và chiến lược nhằm kiểm soát tham nhũng, phòng chống tiêu cực, đảm bảo trách nhiệm giải trình trong hệ thống tư pháp; trao đổi kinh nghiệm của các nước về tiêu cực trong tòa án và cơ quan công tố và các hoạt động can thiệp, phòng chống tiêu cực hiệu quả.

Một số khái niệm mới đối với Việt Nam về “mua bán công lý”, dịch vụ công xem như “hàng hóa công”, có thể bị lợi dụng để trao đổi, mua bán và các biện pháp kiểm soát tham nhũng ngành tư pháp cũng được đề cập.

Các đại biểu cho rằng việc làm sao minh bạch hơn trong các quyết định của tòa án, những biện pháp phân công án; áp dụng hệ thống theo dõi hiệu quả hoạt động của thẩm phán; xây dựng văn hóa trong ngành tư pháp, thu phí linh hoạt phụ thuộc thời gian xử lý vụ án và việc xây dựng bộ quy tắc đạo đức của thẩm phán cũng là những kinh nghiệm hay cần được Việt Nam nghiên cứu, tham khảo.

Về quyền miễn trừ dành cho thẩm phán, ông Võ Duy Quang, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bình Thuận cho rằng: “Hiện nay chưa có quyền miễn trừ nhưng nhiều hành vi của thẩm phán xét xử cũng khó có thể kiểm soát được. Khung hình phạt của Bộ Luật hình sự Việt Nam rất dài, việc quyết định của thẩm phán rất rộng và tiêu cực cũng có thể nảy sinh. Cho nên tôi thấy một trong những giải pháp hạn chế tiêu cực trong quá trình xét xử về hình sự là các nhà làm luật nên thiết kế lại điều luật, khung hình phạt làm sao cho ngắn lại. Đây cũng là một biện pháp mà ở Việt Nam có thể áp dụng”./.