Ngày 11/7, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc chuẩn bị dự án Luật nói trên.
Theo đó, về dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Cần quán triệt đầy đủ tư tưởng đổi mới của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức bộ máy nhà nước, về Chính phủ và nền hành chính nhà nước để cụ thể hóa phù hợp trong dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi); bảo đảm Chính phủ thực sự có vai trò kiến tạo phát triển, chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong quản lý điều hành các mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 176/TB-VPCP, xây dựng các phương án cụ thể cho từng vấn đề cơ bản dự án Luật theo hướng mở và linh hoạt. Nghiên cứu, làm rõ và có quy định phù hợp trong dự thảo Luật về mối quan hệ kiểm soát quyền lực giữa Chính phủ đối với các cơ quan lập pháp, tư pháp, nhất là trong việc trình các dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác.
Cùng với việc cụ thể hóa các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, dự án Luật cần cụ thể hóa và phân định rõ trách nhiệm chính trị, trách nhiệm giải trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; phân định rành mạch thẩm quyền và trách nhiệm của tập thể Chính phủ với trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Tiếp tục hoàn thiện chế định Thủ tướng Chính phủ, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Thủ tướng trong lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và nền hành chính quốc gia; hoàn thiện chế định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, trong đó có Bộ trưởng phụ trách một số lĩnh vực, theo hướng làm rõ vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm, cũng như chế độ làm việc và mối quan hệ công tác...
Đối với dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Cần xây dựng các phương án cụ thể, theo thứ tự ưu tiên về mô hình tổ chức chính quyền địa phương.
Đối với đô thị, chính quyền địa phương tổ chức theo mô hình một cấp; quận, phường không tổ chức Hội đồng nhân dân. Tên gọi “đơn vị hành chính tương đương” thuộc thành phố trực thuộc trung ương là thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
Quy định rõ tổ chức và tên gọi cơ quan hành chính được thành lập ở những nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân là Ủy ban nhân dân trên cơ sở tiếp thu báo cáo tổng kết, đánh giá của các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này.
Trên cơ sở tổng kết thi hành Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, bên cạnh việc kế thừa các quy định phù hợp đã được thực tiễn kiểm nghiệm, cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp trong thời gian qua.
Cần phân định và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND dân từng cấp theo hướng không trùng lắp, dập khuôn, ôm đồm, bảo đảm tính khả thi.../.