**Sau hơn 2 tháng tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đến nay tỉnh Hà Tĩnh đã có hơn 150.000 lượt cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến. Trong đó nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng, tinh thần trách nhiệm. Hiện công tác lấy ý kiến đóng góp của nhân dân đang được các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện.

Góp ý về Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang, Thượng tá Võ Trọng Hải, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên Phòng Hà Tĩnh cho rằng: Quy định này là sự tất yếu cần phải có để duy trì sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm ổn định về chính trị để đất nước có điều kiện phát triển.

Thượng tá Võ Trọng Hải nói: “Lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong lực lượng vũ trang chúng tôi nhận thức của cán bộ chiến sỹ rất tốt. Vì anh em cũng xác định trải qua bao nhiêu thế hệ để xây dựng đất nước, bây giờ theo quan điểm chỉ có một Đảng duy nhất thôi”.

Ông Lê Văn Nhị, Bí thư chi bộ, Giám đốc Công ty chăn nuôi, Tổng Công ty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh góp ý: "Về vai trò của Đảng và quân đội là vấn đề rất quan trọng. Từ trước tới nay, pháp luật của chúng ta không tách rời vai trò của Đảng với Nhà nước, giữa nhân dân và Đảng. Tôi cho rằng, vấn đề này đưa vào Hiến pháp là đúng. Chúng ra vẫn đang thực hiện theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ nên rõ ràng không thể tách bạch Đảng ra ngoài hệ thống pháp luật cũng như hệ thống chính trị đối với đất nước chúng ta”.

**Đến nay, Tổ giúp việc của tỉnh Hải Dương đã nhận được gần 70 văn bản của các cơ quan, tổ chức, địa phương và cá nhân trên địa bàn tỉnh, với hàng nghìn ý kiến góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Để việc triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân tham gia dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đạt hiệu quả, tỉnh Hải Dương đã ban hành các chỉ thị, kế hoạch, quyết định và tổ chức triển khai lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo đổi hiến pháp năm 1992 trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến nội dung Dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 để  các tầng lớp nhân dân nắm được và tích cực tham gia. Việc tổ chức lấy ý kiến được triển khai linh hoạt, bằng nhiều hình thức và thu hút được đông đảo các đơn vị, tổ chức và nhân dân tham gia đóng góp ý kiến.**, Sáng 13/3, tại TP HCM, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đại diện Hội Luật gia các tỉnh phía Nam, các Sở, ban, ngành, Viện Kiểm sát, Tòa án, các trường đại học, Viện nghiên cứu, các tổ chức luật sư.

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 về những điểm mới, rất tiến bộ, cập nhật kịp thời các quan hệ xã hội hiện đại. Đồng thời đề xuất: các quy định trong Hiến pháp cần được trình bày dưới dạng đặt tên từng Điều luật nhằm phù hợp với pháp luật hiện hành và thể hiện sự tiến bộ trong kỹ thuật lập pháp.

Theo các đại biểu, trong Hiến pháp cần tồn tại những cụm từ “theo quy định của pháp luật” hay “do luật định” nhằm đảm bảo tính khái quát và nâng cao tính ổn định, nhưng đồng thời phải khẩn trương ban hành các đạo luật tương ứng,… để công dân sớm có điều kiện thực hiện các quyền hiến định của mình và Nhà nước cũng dễ dàng hơn trong công tác quản lý.

Các đại biểu cũng cho rằng, hiến định chế độ kinh tế là cần thiết phải quy định trong Hiến pháp để phù hợp với tình hình Việt Nam, nhưng cần đặc biệt quan tâm tính dự báo trong chế độ kinh tế vì đây là đạo luật gốc, phản ánh những giá trị ở tầm sâu nhất của quốc gia và thể hiện chiến lược, đường hướng phát triển của Nhà nước.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị: “Có một số vấn đề cụ thể như quyền con người, quyền công dân thì có những điều chỉnh sửa đổi so với Hiến pháp 1992, có những điểm tốt hơn nhưng cũng có những điểm không hợp lý. Ví dụ như trong Hiến pháp 1992 có một nguyên tắc là “không ai bị bắt nếu không có sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát hay quyết định của Tòa án”. Đây là nguyên tắc nằm trong cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia nhưng lại bị bỏ đi. Đây là một bước lùi so với Hiến pháp 1992 ở góc độ quyền con người”./.