Hơn 2 tháng qua, cùng với hàng triệu người dân trong nước đóng góp ý kiến tâm huyết cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, bà con Kiều bào ở khắp nơi trên thế giới cũng thể hiện trách nhiệm của mình với đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn này. Trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho biết: Bà con Kiều bào có nhiều thành phần, nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, những người đóng góp tích cực nhất là những người thường xuyên về thăm quê hương.

PV: Thưa ông, thực hiện chủ trương lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai nhiệm vụ này như thế nào?     

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc xây dựng hướng dẫn tiêu chí tuyên truyền và chỉ đạo công tác lấy ý kiến đóng góp của Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

phamquangvinh.jpg
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh (Ảnh: Báo tin tức)

Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo thủ trưởng cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài gặp gỡ, tiếp xúc với bà con, trong đó cung cấp cho họ tài liệu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, gợi ý những đóng góp, sau đó tổng hợp ý kiến đóng góp và gửi về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

PV: Thưa ông, bà con Kiều bào đã thể hiện sự quan tâm của mình thế nào đối với đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn này?

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Cho đến nay, chúng tôi đã tập hợp được rất nhiều ý kiến cá nhân, của các hội đoàn để phản ánh về cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Với những bà con Việt Kiều thường xuyên về quê hương, có mối liên hệ thường xuyên với quê hương thì họ rất quan tâm đến đợt lấy ý kiến lần này. Có rất nhiều cách đóng góp ý kiến, thông qua văn bản gửi trực tiếp, thư điện tử, hội nghề nghiệp của bà con kiều bào…

PV: Đâu là những vấn đề chính mà bà con quan tâm khi đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, thưa ông?

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh:Bà con quan tâm đến nhiều lĩnh vực nhưng có lẽ vấn đề lớn nhất là Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác Việt kiều, coi bà con là một bộ phận của cộng đồng dân tộc.

Vấn đề này cũng được đề cập trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Họ quan tâm ở hai góc độ, thứ nhất coi họ là một bộ phận của dân tộc. Điều này bà con rất ủng hộ. Thứ hai họ đóng góp các ý kiến để bảo đảm quyền bình đẳng của công dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước. Bên cạnh đó, các nhà khoa học, các chuyên gia có kiến thức thì đóng góp vào những chủ đề vĩ mô hơn.

PV: Với hơn 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập ở nước ngoài, địa bàn rộng lớn, thành phần xã hội đa dạng, việc triển khai lấy ý kiến bà con Kiều bào có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài rất đặc thù, họ bao gồm những đối tượng khác nhau, từ nhân sĩ, trí thức, chuyên gia cho đến người lao động và thậm chí có thái độ và động cơ chính trị cũng rất khác nhau.

Công tác tuyên truyền là rất quan trọng. Chúng tôi đề cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài trong vấn đề này. Chúng tôi tập hợp lực lượng bà con Việt kiều đã có quan hệ gắn bó với đất nước, nhận thức đúng đắn về đất nước.

PV: Xin cảm ơn ông!./.