Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro được biết đến là nhà lãnh đạo cộng sản và cách mạng kiên cường của các dân tộc Mỹ Latinh, của phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, tự do và chủ nghĩa xã hội. Với người dân Việt Nam, ông là người bạn lớn, thân thiết, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng, ý chí quật cường và tinh thần khát khao tự do, hạnh phúc. 

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Phạm Tiến Tư, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Cuba, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam- Cuba.

22_kvby.jpg
Ông Phạm Tiến Tư (phải) và Lãnh tụ Fidel Castro.

PV:Thưa ông, lãnh tụ Fidel Castro không chỉ là nhà cách mạng kiệt xuất, Tổng Tư lệnh kính yêu của nhân dân Cuba mà còn là biểu tượng của phong trào cộng sản và cách mạng thế giới. Sự ra đi của lãnh tụ Fidel Castro là mất mát to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba anh em, cũng như nhân dân các nước Mỹ Latinh và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Xin ông chia sẻ thêm về điều này?

Ông Phạm Tiến TưĐây là sự mất mát lớn của Đảng và nhân dân Cuba, đồng thời cũng là mất mát to lớn đối với phong trào cách mạng cánh tả ở Mỹ Latinh và trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh mất mát, đau thương trước sự ra đi của đồng chí thì cũng phải nhấn mạnh rằng, tất cả đóng góp của lãnh tụ Fidel Castro đối với nhân dân Cuba, đối với các dân tộc Mỹ Latinh và nhân dân thế giới là tài sản quý báu, để nhân dân Cuba tiếp tục sự nghiệp cách mạng mà lãnh tụ Fidel đã đóng góp trong hơn nửa thế kỉ qua.

Với kinh nghiệm quý báu và tấm gương đó, các dân tộc Mỹ Latinh tiếp tục cuộc đấu trạnh chính nghĩa để hướng tới xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và bình đẳng giữa các dân tộc, là biểu tượng mà Fidel suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp đó.

Cũng như Tố Hữu có bài thơ: “Có những phút làm nên lịch sử/Có cái chết hóa thành bất tử/…Có những lời hơn vạn bài ca/Có những con người do chân lý sinh ra”. Bác Hồ chúng ta là một trong những người đó, Fidel cũng là một trong những người đó.

PV: Năm 1973, lãnh tụ Fidel Castro trở thành vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong chuyến thăm đó, Fidel Castro đã nhắc lại câu nói trong thời chiến: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”, trở thành biểu tượng của tình đồng chí, anh em Việt Nam-Cuba. Ông có thể nói rõ hơn về mối quan hệ đặc biệt này cũng như những tình cảm sâu sắc mà lãnh tụ Fidel Castro dành cho Việt Nam?

Ông Phạm Tiến Tư: Giữa Việt Nam và Cuba có những điểm tương đồng rất lớn. Hai nước đều có hoàn cảnh lịch sử là chủ nghĩa thực dân, đế quốc, cùng kiên cường đấu tranh để giành độc lập dân tộc. Thứ hai, hai nước đều do hai Đảng Cộng sản lãnh đạo, giành độc lập dân tộc và tiến lên Chủ nghĩa xã hội, là đồng minh chiến lược của nhau. Hai nước đều có quân đội anh hùng, có dân tộc anh hùng, cần cù lao động, luôn luôn phấn đấu vì mục tiêu cao đẹp của thời đại. Đặc biệt, hai nước có những lãnh tụ anh minh là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Fidel Castro đã dẫn dắt sự nghiệp cách mạng của hai nước.

Đó là lý do sâu xa tại sao lại có tình cảm đặc biệt, quan hệ thủy chung, trong sáng, đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Cuba. Đúng như lời Bác Hồ sinh thời đã nói, Việt Nam và Cuba như hai anh em sinh đôi, cách nhau nửa vòng trái đất. Lúc Việt Nam ngủ thì Cuba thức để canh giấc ngủ cho Việt Nam và lúc Cuba ngủ thì Việt Nam thức canh giấc ngủ cho Cuba. Fidel cũng đã tổng kết quan hệ với Việt Nam là biểu tượng của thời đại, là quan hệ đặc biệt thủy chung trong sáng.

Fidel dành tình cảm hết sức đặc biệt đối với Việt Nam và coi sự nghiệp đấu tranh của nhân dân chúng ta cũng là sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Cuba và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Có thể nói, Fidel và nhân dân Cuba hết lòng với nhân dân Việt Nam, đó là một biểu tượng, một đỉnh cao.

Ông Phạm Tiến Tư chụp ảnh lưu niệm cùng Lãnh tụ Fidel Castro.

PV: Từng có nhiều năm học tập, làm việc tại Cuba, nhất là 5 năm trên cương vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Cuba, chắc hẳn ông có nhiều lần vinh dự được gặp và có được kỷ niệm tốt đẹp và nồngấm về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Cuba. Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ nhất?

Ông Phạm Tiến Tư: 5 năm đại học ở đó, có lần phiên dịch cho Đoàn đại biểu Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt thăm Cuba năm 1968, tôi đang học thứ nhất đại học. Fidel có nhìn tôi và nói: đồng chí là sinh viên à? Tôi bảo: Vâng tôi là sinh viên, thưa đồng chí Tổng Tư lệnh.

Fidel bảo: Nhìn đồng chí tôi lại nhớ lại thời kì tôi hoạt động trong phong trào sinh viên, đấu tranh chống chế độ độc tài ở Cuba. Cho nên nhìn thấy đồng chí, tôi lại trở lại những kỷ niệm trong thời kì tôi là sinh viên.

Còn sau này khi là Bí thư, Đại sứ, tôi được nhiều lần được tháp tùng, được gặp, được đại diện với tư cách là Đại sứ để cùng Lãnh đạo cao nhất của ta gặp Fidel. Một ấn tượng rất sâu sắc đó là tình cảm đoàn kết đặc biệt với các đồng chí lãnh đạo của chúng ta và tình cảm của Fidel dành cho Việt Nam.

Ở những thời điểm lịch sử rất quan trọng của Việt Nam, khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc thì Fidel phát động phong trào ở Cu ba và Mỹ Latinh đoàn kết chống chiến tranh phá hoại; tổ chức hội thảo chuyên đề hết ngày này đến ngày khác. Tất cả tin tức của Việt Nam trong thời kì chống Mỹ cứu nước đều thường trực trên các phương tiện thông tin đại chúng của Cuba.

Một chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc, bạn cũng đưa tin; một trận đánh của quân dân miền Nam thắng lợi, bạn cũng đưa tin. Và đúng ngày 30/4, khi đó đồng chí Võ Thị Thắng đang thăm Cuba, Fidel cùng đồng chí Võ Thị Thắng dẫn đầu đoàn ra quảng trường cách mạng để mít tinh. Thực ra, bạn đã chuẩn bị cuộc mít tinh chào mừng 1/5 nhưng đã biến thành cuộc mít tinh của hơn 1 triệu người dân Cuba để mừng thắng lợi của nhân dân Việt Nam.

Sau này, trong từng thời kì, ở Cuba, Fidel luôn là ngọn cờ đầu trong phong trào đoàn kết với Việt Nam. Và sau này, rất nhiều cuộc gặp với lãnh đạo chúng ta, đặc biệt là cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước khi Thủ tướng đi thăm 4 nước Mỹ Latinh năm 1979. Fidel tiễn Thủ tướng Phạm Văn Đồng và xẻ một nửa lực lượng bảo vệ Fidel để đi bảo vệ Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Khi Fidel thăm Việt Nam lần thứ hai, lúc ấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng mắt đã kém, không nhìn thấy gì nhưng Fidel đến thăm tại nhà riêng, đi ở ngoài sân, Thủ tướng đã nói: “Con ơi, đồng chí Fidel đấy, nghe tiếng chân của đồng chí đi là bác biết Fidel đến rồi đấy. Con đứng dậy và đón Fidel vào đây cho bác”.

Đó là những kỷ niệm có thể nói là những vinh dự được cùng với các đồng chí lãnh đạo làm việc với Fidel suốt mấy chục năm qua. Fidel ra đi, kỷ niệm của 50 năm qua lại ùa về và nổi bật lên hình tượng rất kiệt xuất, kiên cường, hiền hòa, rất nhân văn của Fidel thể hiện với cách mạng Cuba, với nhân dân Việt Nam, các dân tộc Mỹ Latinh và đối với các dân tộc yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới./.

PV:Xin cảm ơn ông./.