Một con người vĩ đại đã ra đi: Fidel Castro. Người đã thổi ngọn lửa của lòng nhiệt tình cách mạng vào Mỹ La tinh cuối những năm 50 đầu những năm 60 của thế kỷ trước...
Những chàng trai, cô gái mặc quân phục màu xanh ô liu, chiếc mũ nồi đội lệch, vai khoác khẩu tiểu liên Thompson... Vịnh La Habana, những khẩu đội pháo phòng không... Đấy là những hình ảnh đầu tiên tôi biết về Cuba khi Fidel vừa tuyên bố tính chất Xã hội chủ nghĩa của cuộc cách mạng Cuba. Cả Fidel và Raul hồi đó còn rất trẻ.
Hình ảnh cảm động và thân thiết của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Fidel Castro tại Quảng Trị tháng 9/1973 trong chuyến thăm đầu tiên của Fidel Castro tới Việt Nam (Ảnh: TTXVN) |
Việt Nam chiến đấu chống sự xâm lược của đế quốc Mỹ. "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình". Fidel đến Việt Nam, trở thành vị nguyên thủ thế giới đầu tiên và duy nhất thăm vùng giải phóng Quảng Trị... Bệnh viện đa khoa Đồng Hới ra đời. Rồi đường và sữa Cuba, bò sữa Cuba tại Mộc Châu... Con đường Xuân Mai, đường Đông Trường Sơn và khách sạn Thắng Lợi...
Việt Nam sau 1975 bộn bề khó khăn. Chiến tranh ở hai đầu đất nước. "Lúc này giúp Việt Nam cần hơn bao giờ hết". Đó là lời của Fidel...
Nhãn quan chính trị sắc sảo và niềm lạc quan cách mạng là yếu tố dẫn đến lời tuyên bố mang tính định mệnh. “Có một ngày nào đó, chúng ta thức dậy. Liên Xô không còn nữa. Nhưng chúng ta phải tồn tại". Đó lời của Fidel. Liên Xô không còn nữa. Nhưng Cuba vẫn tồn tại.
"Tôi đã đến Cuba nhiều lần". Đó là lời mở đầu của tôi khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài phát thanh Cuba quật khởi. Trước sự ngỡ ngàng của người nữ phóng viên Cuba, tôi mỉm cười và nói thêm: “Đến Cuba từ trong mơ". Một nụ cười rất tươi, hồ hởi của tất cả mọi người.
Đó là vào tháng 10/1995 khi tôi được tháp tùng Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm Cuba. Trên chiếc B.767, phi công Nguyễn Thành Trung dành riêng cho tôi một vinh dự: ngồi vào khoang lái, để được nhìn thấy "hòn đảo Tự do" ngay từ phút đầu tiên khi máy bay tới không phận Cuba.
Nhà báo Trương Cộng Hòa đứng bên vịnh La Habana trong chuyến công tác tại Cuba tháng 10/1995 |
"Chúng ta sống vì Tổ quốc". Đó là nhan đề bài ghi nhanh của tôi từ Cuba gửi về. Trên đường phố La Habana với những chiếc xe hơi cũ nát, những chiếc xe buýt móc vào nhau hai chiếc một để chạy (biểu tượng của thời kỳ khẩn cấp - như các bạn Cuba nói) trên đường phố La Habana... ở đâu cũng thấy một dòng khẩu hiệu “Chúng ta sống vì Tổ quốc"...
Fidel đã ra tận sân bay, đến chân cầu thang đón Chủ tịch nước Việt Nam. Những cái bắt tay thật chặt, những khẩu hiêu hô vang “Viva Việt Nam", "Viva Cuba". Lần thứ hai gặp Fidel tại Cung Cách mạng, tại lễ trao tặng Chủ tịch Lê Đức Anh Huân chương Jose Marti, Huân chương cao quý nhất của Cuba... Fidel vẫn thế, bộ quân phục màu ô liu và dáng đi nhanh nhẹn. Vì nguyên tắc bảo vệ, chúng tôi không được chụp chung ảnh với Fidel hôm ấy. Nữ đồng chí phiên dịch, học tiếng Việt ở Việt Nam, hứa: "Thôi để dịp Fidel sang Việt Nam". Nhưng khi Fidel trở lại Việt Nam, tôi đã chuyển sang làm việc khác.
Có nhiều sách viết về Fidel, nhưng tôi thích nhất cuốn “Mười lăm giờ với Fidel" (NXB Tuyên huấn 1998) ghi lại cuộc phỏng vấn do nhà báo Italia nổi tiếng. Gianni Mina thực hiện, cuốn "Cuộc đời tôi" và hai cuốn sách của Fidel xuất bản tại Việt Nam năm 2013.
Fidel, người đã truyền niềm tin cộng sản cho biết bao thế hệ thanh niên đủ màu da, niềm tin chống lại các bất công của chủ nghĩa tư bản, chống lại sự nô dịch về chính trị-kinh tế-văn hoá trong một thế giới phẳng...
Chúng tôi nhớ ông. Và ghi tạc câu nói nổi tiếng của ông: "CHÚNG TA SỐNG VÌ TỔ QUỐC"./.
Hình ảnh: Lãnh tụ Cuba Fidel Castro và các nhà lãnh đạo Việt Nam
Ký ức khó phai về cuộc phỏng vấn Chủ tịch Fidel Castro 15 năm trước