Quốc hội đã chính thức bầu, phê chuẩn bổ nhiệm các thành viên Chính phủ mới. Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương bày tỏ kỳ vọng tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng tập thể Chính phủ sẽ hành động quyết liệt, nêu gương trong phòng chống tham nhũng, cố gắng đưa đất nước vượt qua khó khăn, tạo chuyển biến về nhiều mặt.
|
PV: Quốc hội vừa bầu và phê chuẩn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Ôngkỳvọng gì ở Thủ tướng và các thành viên Chính phủ mới?
Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi cũng như người dân cả nước rất quan tâm tới sự kiện Quốc hội kiện toàn các chức danh lãnh đạo, trong đó bầu Thủ tướng và các Phó Thủ tướng.
Trong bối cảnh trong nước và quốc tế, bên cạnh những thuận lợi thì cũng ngổn ngang khó khăn, thách thức đang chờ Chính phủ khóa XIV phải bắt tay ngay vào việc, với một quyết tâm cao nhất. Những thách thức đó có thể nhìn thấy như việc Việt Nam tham gia TPP, đổi mới thể chế và cơ chế, bảo vệ chủ quyền biển đảo, chống tham nhũng, làm thế nào để kinh tế của chúng ta không tụt hậu, khó khăn về thời tiết, khí hậu, kinh doanh không hiệu quả…
Các đại biểu cũng đã nêu và công khai về việc Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông, xâm phạm vào chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam, vậy chúng ta phải ứng xử như thế nào? Chúng ta cần có một môi trường hòa bình, hợp tác nhưng không phải bằng mọi giá.
Vấn đề nữa là giặc nội xâm. Nó ở đâu? Cách xử lý nó như thế nào?mChống tiêu cực trong nội bộ, chống quan liêu, tham nhũng… là những vấn đề đặt ra đối với Chính phủ được kiện toàn.
Tôi cũng như cử tri mong mỏi và gửi những hy vọng các đồng chí được Quốc hội giao nhiệm vụ sẽ làm hết sức mình, làm thế nào để phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc. Nếu các đồng chí phát huy được trí tuệ của toàn dân tộc ,làm cho mọi người tin, hưởng ứng, ủng hộ thì các đồng chí sẽ vượt qua được khó khăn. Điều đó phụ thuộc vào nỗ lực chủ quan của các đồng chí là rất lớn.
Tôi không muốn dùng từ kỳ vọng vì không phải một sớm một chiều có thể thay đổi được tình hình, nhưng tôi hy vọng và mong mỏi Thủ tướng và các Phó Thủ tướng mới, các đồng chí trong Chính phủ không bổ nhiệm lại phải cố gắng hết sức, thay đổi phương pháp công tác, sát dân, nghe dân, phát huy được dân.
“Dân mong đợi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết liệt chống tham nhũng“
PV: Ông mong muốn Thủ tướng và các thành viên Chính phủ mới giải quyết những khó khăn, thách thức như thế nào?
Ông Vũ Quốc Hùng: Chúng ta cần nhìn thẳng vào tình hình, lên kế hoạch và có những giải pháp để giải quyết những khó khăn ấy. Trước tiên phải xem thực lực của mình, xem sức dân đến đâu và phải đi vào từng việc cụ thể.
Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói, đánh giá con người thì phải đánh giá vào những việc làm cụ thể. Muốn đánh giá người nào đó có toàn tâm, toàn ý vì nước, vì dân không thì phải đánh giá vào những việc làm thiết thực, cụ thể của người đó chứ không phải bằng những hô hào trên các diễn đàn. Tuy nhiên, cũng phải nói việc phát biểu những chỉ đạo, hướng dẫn cũng là việc rất quan trọng.
Phải có những hành động thiết thực bằng những chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành, quản lý, kiểm tra, giám sát. Trên cơ sở thực tiễn trong nước và quốc tế, các nhà lãnh đạo mới phải tìm ra giải pháp và bước đi. Phải có kế hoạch cụ thể, báo cho nhân dân biết để dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.
Muốn dân biết thì phải dân chủ trên cơ sở công khai, minh bạch. Làm thế nào để dân làm? Dân sẵn sàng làm nhưng phải có kế hoạch. Dân bàn như thế nào? Như thông qua những phát ngôn trên báo chí, hay tổ chức những “Hội nghị Diên Hồng” để hỏi dân một cách thật sự chứ không phải hình thức để dân tham gia và bàn. Chính phủ và dân phải xắn tay áo lên cùng làm. Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Nhiều kỳ họp Hội đồng nhân dân, hay các cuộc tiếp xúc cử tri vẫn còn mang tính hình thức.
Công tác kiểm tra là một bộ phận không thể tách rời của công tác điều hành, lãnh đạo. Kiểm tra để xem cách điều hành của mình có hiệu quả không. Nếu làm tốt công tác kiểm tra thì sẽ hạn chế được rất nhiều những yếu kém hiện nay. Mọi việc trên cơ sở kiểm tra tốt cộng với dân chủ, công khai, minh bạch thì dân sẽ tin, sẽ nghe và dân tự giác thực hiện.
Chỉ chống được tham nhũng khi phát huy đầy đủ quyền làm chủ của dân
Chống tham nhũng không thể theo phong trào
PV: Thách thức đặt ra đối với vấn đề bảo vệ chủ quyền, chống tham nhũng như thế nào, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Hùng: Chúng ta phải có lập trường rõ ràng, xác định vấn đề chủ quyền hiện nay là như thế nào, cần phải giải quyết vấn đề gì, trên cơ sở đó để tiến hành đấu tranh, bảo vệ chủ quyền một cách hiệu quả. Trước tiên là Trung Quốc phải dừng lại những việc hiện nay đang triển khai ở Biển Đông. Phải có những biện pháp trước mắt và lâu dài bảo vệ hiệu quả chủ quyền trên đất liền cũng như trên biển. Trên tinh thần dân tộc ta yêu hòa bình, bằng những giải pháp hòa bình, thương lượng, đấu tranh song phải có biện pháp mới.
Về nội xâm, phải nhận diện tất cả những tiêu cực về tham nhũng. Những cá nhân, tổ chức có biểu hiện tham nhũng phải được nhắc nhở, răn đe; còn những người cố tình tham nhũng, phạm tội thì phải xử lý bằng nhiều hình thức. Quan trọng nhất là trách nhiệm của tổ chức Đảng, tổ chức chính quyền trong việc điều hành.
Ví dụ như vụ việc ở nhà 8B-Lê Trực, ngoài việc phá dỡ phần sai phép thì phải kiểm điểm rõ trách nhiệm và phải xử lý công bằng, công minh rồi thông báo cho nhân dân biết. Hay như công trình Le Mont Bavi Resort & Spa (Ba Vì, Hà Nội) xây trái phép, chúng ta phải giải quyết đúng người, đúng sai lầm. Những vụ việc như vậy cần phải kiểm tra, kiểm điểm lại để tìm ra nguyên nhân của sai lầm, từ đó tiến hành sửa chữa.
Chống tham nhũng phải công minh và nghiêm minh để không có những người bị oan khuất và không để kẻ xấu lọt tội. Đây không phải là nhiệm vụ của Chính phủ mà còn là của các cơ quan tư pháp, nhưng Chính phủ phải là cơ quan thanh tra để phòng ngừa. Chính phủ bằng mọi hình thức phải mở rộng thanh tra, kiểm tra, giám sát để xem nơi nào có biểu hiện chuệch choạc phải xử lý ngay, không để tình trạng xảy ra lâu rồi nhưng không có ai kết luận thì cuối cùng hậu quả là nhân dân gánh chịu.
Chống tham nhũng không thể theo phong trào, không phải làm để lấy thành tích. Phải giải quyết những vấn đề nổi cộm trước mắt nhưng đồng thời cũng phải có kế hoạch lâu dài để không tái diễn những việc làm mang tính chất ngẫu hứng, tùy tiện, theo phong trào của những người lãnh đạo.
Kê khai tài sản: Ai giám sát sự trung thực của cán bộ?
PV: Theo ông, trong tham nhũng hiện nay nổi lên vấn đề gì, lĩnh vực nào đáng quan ngại nhất?
Ông Vũ Quốc Hùng: Biểu hiện của tham nhũng cũng rất muôn màu, muôn vẻ, nhưng theo tôi, tham nhũng về đất đai, sử dụng công quỹ một cách vô tội vạ là những vấn đề nổi cộm nhất.
Tham nhũng vặt cũng là một biểu hiện khiến người dân chán ngán. Ở đâu cũng có phong bì, việc gì cũng cần phong bì và nếu dần dần phong bì trở thành “văn hóa” thì đó là sự suy đồi về đạo đức.
Tham nhũng có ở khắp nơi, tham nhũng rất tinh vi, tham nhũng lớn, tham nhũng vặt… tất cả đều làm cho người dân chán ngán và cố gắng đừng để đến lúc nào đó người ta thấy nó bình thường thì thật nguy hiểm cho xã hội.
Tham nhũng không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà là trách nhiệm của toàn Đảng, trước tiên là Trung ương Đảng. Chính vì thế, trong Đại hội 11, Trung ương Đảng đã nhận trách nhiệm về mình và nắm Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư là Trưởng ban chỉ đạo. Nhưng ngay cả khi Tổng Bí thư chưa phải là Trưởng ban chỉ đạo thì chống tham nhũng vẫn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trong đó, Chính phủ phải rất tích cực, có nhiều giải pháp chống tham nhũng và các đồng chí thành viên Chính phủ phải là người nêu gương, là những người trong sạch, liêm chính.
Trên cơ sở các đồng chí là những tấm gương trong sạch, liêm chính thì các đồng chí yêu cầu cấp dưới, những ai không được như thế thì nên thay. Người nào đáng bị xử lý thì phải xử lý. Cho nên phải siết lại kỷ cương, phải có kỷ luật trong điều hành, trong bộ máy công quyền. Khi kỷ cương trong bộ máy công quyền tốt rồi thì trật tự xã hội mới tốt lên./.