Sáng 27/8, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã có buổi làm việc với Đảng đoàn Quốc hội về tình hình quán triệt thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chiến lược Cải cách Tư pháp đến năm 2020.
Theo báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội, thời gian qua, Chiến lược Cải cách Tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49/NQ/TW đã được các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội quán triệt sâu rộng và được thể chế hóa đúng và đầy đủ trong công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội.
Đặc biệt sau khi Hiến pháp 2013 được thông qua và Bộ Chính trị có Kết luận 92-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chiến lược Cải cách Tư pháp đến năm 2020 công tác quán triệt được đẩy mạnh gắn với nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội, qua đó nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò của hoạt động tư pháp, sự cần thiết đẩy mạnh hơn nữa cải cách tư pháp thông qua công tác xây dựng luật ngày càng được nâng lên rõ rệt.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Quốc hội đã tăng cường xây dựng pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động tư pháp; đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp, thi hành án luật sư, công chứng, giám định tư pháp theo đúng chủ trương, định hướng lớn của Chiến lược cải cách tư pháp của Đảng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh bên cạnh nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, thì phải tăng cường hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử đối với các hoạt động tư pháp và cơ quan tư pháp; Làm rõ việc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan và nội hàm của "quyền tư pháp" được quy định trong Hiến pháp mới; thông qua đề án xây dựng tòa sơ thẩm khu vực, viện kiểm sát khu vực theo hướng nhằm thống nhất nhận thức để thể chế hóa trong Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND sửa đổi.
Đại diện các cơ quan tư pháp cũng đề nghị cần có phân bổ biên chế, ngân sách hợp lý để đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở...đáp ứng nhiệm vụ mới của các cơ quan tư pháp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận những ý kiến của các đại biểu và đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu hoàn thiện báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội để có định hướng chỉ đạo thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh khi thể chế hóa các quy định pháp luật chỉ rõ vai trò độc lập của các cơ quan tư pháp trong hoạt động tố tụng, thực hiện quyền tư pháp, nhưng phải có sự kiểm soát chặt chẽ lẫn nhau. Đặc biệt nâng cao hơn công tác giám sát của các cơ quan dân cử.
Hoan nghênh các cơ quan Quốc hội đã quán triệt chủ trương của Đảng và thực thi có hiệu quả chiến lược cải cách tư pháp từ khâu xây dựng luật, giám sát, chất vấn hoạt động của các cơ quan tư pháp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của Kết luận 92 của Bộ Chính trị là cơ sở để tiếp tục đẩy mạnh chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
“Sự đồng bộ hóa trong quá trình xây dựng các văn bản luật và dưới luật là một quá trình chúng ta phải tiếp tục hết sức chú ý, mang tính chất kỹ thuật lập pháp, lập quy, bên cạnh chủ trương thì tính chất kỹ thuật cũng rất phức tạp, hết sức khó. Mình cố gắng rất nhiều nhưng khi luật ban hành, chủ tịch nước công bố ngày giờ có hiệu lực, nhưng trong thực tế chưa hiệu lực. Cho nên mình nói Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng phải hoàn chỉnh, hoàn thiện, quản lý xã hội phải dựa trên cơ sở pháp luật. Giữa mong muốn đó, chủ trương đó với cuộc sống còn khoảng cách nên tôi đề nghị chúng ta phối hợp để thúc đẩy quá trình này”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tán thành với định hướng của Đảng đoàn Quốc hội trong triển khai chiến lược cải cách tư pháp, Chủ tịch nước cho rằng cần quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Nhà nước và thực tiễn để làm thế nào quá trình luật hóa thực sự đi vào cuộc sống. Đề cập những ý kiến khác nhau về cần làm rõ quyền tư pháp và sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp... Chủ tịch nước khẳng định Chủ trương được ghi nhận trong Hiến pháp và Kết luận 92 là đúng đắn, đề nghị cần sớm nghiên cứu, làm rõ nội hàm để thống nhất và thể chế hóa ngay trong luật tổ chức các cơ quan chức năng khối tư pháp và luật chuyên ngành có liên quan đến tư pháp sắp tới tạo nền cho công tác cải cách tư pháp có bước tiến mới trong thời gian tới./.