Sáng nay (19/8) tại Hà Nội, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương do Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Quân ủy Trung ương về tình hình quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 92 của Bộ Chính trị về việc  tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trong quân đội.

Theo báo cáo của Quân ủy Trung ương, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Bộ Quốc phòng thời gian qua đã luôn bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp trong quân đội, phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp của Nhà nước.

tth2_mmaw.jpgBan Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương làm việc với Quân uỷ Trung ương

Theo Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong Quân đội, từ sau năm 2015 đến năm 2020, các cơ quan tư pháp trong quân đội sẽ được thu gọn đầu mối còn 113 cơ quan và hơn 1.200 biên chế, giảm 82 cơ quan và hơn 500 biên chế so với hiện nay.

Thời  gian tới, cải cách tư pháp trong quân đội sẽ tập trung vào 2 nội dung gồm: nâng cao chất lượng các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, không để oan sai, lọt tội, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đồng thời, triển khai kiện toàn tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, đúng lộ trình cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị.Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương biểu dương, đánh giá cao các cơ quan tư pháp quân đội đã có nhiều đóng góp vào hoạt động tư pháp nói chung và cải cách tư pháp nói riêng.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao việc Quân ủy Trung ương đã quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, nhất là các dự án, đề án trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là dự án Luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức Toà án…

Bên cạnh đó, hoạt động của các cơ quan tư pháp quân đội đã góp phần giải quyết dứt điểm các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền, không để xảy ra oan sai; tham mưu, đề xuất các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, góp phần làm giảm tội phạm liên quan đến quân đội.Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị, Quân ủy Trung ương cần tập trung triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về thu gọn đầu mối cơ quan điều tra trong quân đội, chỗ nào không cần thiết phải tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với định hướng chung, nhất là cơ quan điều tra hình sự các quân khu và khu vực Hà Nội. Đồng thời điều chỉnh thẩm quyền điều tra cho phù hợp với thẩm quyền xét xử của toà án quân sự theo mô hình mới.

Về thẩm quyền xét xử, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, quan điểm chung là cơ quan tư pháp quân đội chỉ xử lý những vụ việc liên quan, tác động trực tiếp đến lực lượng quân đội. Chính vì vậy, cần khẩn trương tổ chức hệ thống Viện Kiểm sát Quân sự phù hợp với hệ thống Tòa án Quân sự về số lượng và địa hạt tư pháp; đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp phát triển toàn diện, cả về phẩm chất chính trị, trình độ năng lực, đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp./.