Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh Tây Nguyên, ngày 6/8, Đoàn công tác Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương do ông Uông Chu Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắc Lắc về kết quả thực hiện Kết luận số 92 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các ngành công an, viện kiểm sát, tòa án tỉnh Đắc Lắc đã nêu những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đắc Lắc là một trong những địa phương có số lượng án nhiều nhất và phức tạp nhất ở khu vực Tây Nguyên, tuy nhiên số lượng điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán vẫn thiếu.
Bên cạnh đó, thời hạn điều tra theo luật định quá ngắn, không đảm bảo tiến độ đối với các vụ án kinh tế phức tạp, công tác giám định mất quá nhiều thời gian, chất lượng tranh tụng của đội ngũ luật sư cũng còn nhiều hạn chế, cơ sở vật chất của các cơ quan tư pháp, đặc biệt là tòa án chưa được đầu tư đúng mức, chế độ chính sách đối với thẩm phán sơ cấp còn thấp.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Uông Chu Lưu khẳng định cải cách tư pháp là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng nền tư pháp trong sạch, nghiêm minh.
Ông Uông Chu Lưu cũng chia sẻ với những khó khăn của tỉnh và ủng hộ các cách làm của địa phương để công tác điều tra, tố tụng, xét xử được thực hiện đúng luật. Đối với công tác cán bộ, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói: “Số lượng điều tra viên cao cấp, trung cấp còn đang ít, số lượng kiểm sát viên, thẩm phán cũng chưa đủ, thì các đồng chí có đề nghị các cơ quan Trung ương bổ sung thêm biên chế. Bây giờ nguồn bổ sung từ đâu? Chúng ta có nhiều cơ sở đào tạo nhưng mà để thu hút về với Tây Nguyên, về với Đắc Lắc không phải dễ. Vấn đề bây giờ các đồng chí phải đào tạo chính con em của bà con dân tộc chúng ta ở đây, người sở tại ở đây để đưa tư pháp xã hội chủ nghĩa về gần với dân hơn mà hiểu được tâm tư, nguyện vọng, phong tục, tập quán. Đây là trách nhiệm của tỉnh, của chính quyền ở đây”.
Đối với mô hình tòa án sơ thẩm khu vực, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Ban chỉ đạo Trung ương và Quốc hội vẫn đang trong quá trình cân nhắc, xem xét và sẽ quyết định trong thời gian tới, việc tổ chức tòa án theo hướng này nhằm tăng cường hơn tính độc lập của cơ quan tư pháp, đồng thời để tập trung được đội ngũ cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm.
Đối với việc thực hiện các bộ luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự các ngành thấy có những bất cập, vướng vấn đề gì thì tiếp tục kiến nghị để có căn cứ sửa các bộ luật này cho hợp lý hơn.
Nhân chuyến công tác tại Đắc Lắc, cuối giờ chiều nay, ông Uông Chu Lưu đã đến thăm cán bộ, viên chức Cơ quan Thường trú Đài TNVN khu vực Tây Nguyên.
Sau khi nghe Giám đốc cơ quan báo cáo về những hoạt động về công tác tuyên truyền trên địa bàn Tây Nguyên và nhấn mạnh những điểm mới đang triển khai theo kế hoạch phát triển chung của Đài TNVN, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã phát biểu đánh giá cao những kết quả đạt được của cán bộ viên chức Cơ quan Thường trú Đài TNVN khu vực Tây Nguyên sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu biểu dương cán bộ phóng viên Đài TNVN khu vực Tây Nguyên đã tuyên truyền toàn diện các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh-quốc phòng các tỉnh Tây Nguyên một cách kịp thời, đúng định hướng, giúp đồng bào dân tộc tại địa phương và cả nước hiểu rõ hơn sự phát triển của các tỉnh Tây Nguyên trong tiến trình đổi mới đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng việc Đài TNVN tổ chức sản xuất phát sóng tại chỗ 6 thứ tiếng dân tộc tại khu vực Tây Nguyên có ý nghĩa chính trị to lớn; đề nghị Cơ quan thường trú khu vực Tây Nguyên đổi mới nội dung và kỹ thuật phát sóng để đưa tiếng nói của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào tốt hơn nữa./.