Sáng nay, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ đối với Dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn chủ trì phiên họp.

Sau hơn 10 năm thực hiện, Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước  ngoài tại Việt Nam đã góp phần phục vụ đắc lực cho đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng và Nhà nước là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế.

Các quy định thông thoáng của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài được cải tiến, đơn giản hóa, đã tháo gỡ những ách tắc, thu hút khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch, đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác quản lý xuất, nhập cảnh cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập như văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh của người nước ngoài còn chưa thống nhất, đồng bộ, chưa sát với thực tế.

Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn chưa quy định rõ về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tham gia hoạt động quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài nên có nơi, có lúc, công tác quản lý bị chồng chéo. Chưa quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài, dẫn đến tình trạng làm thủ tục cho khách nhập cảnh nhưng không quản lý...

Về vấn đề cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam, các đại biểu cho rằng cần quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền xem xét, giải quyết cho người nước ngoài được thường trú tại Việt Nam.  Đồng thời bảo đảm tính thống nhất về thời hạn của thị thực và thể tạm trú, nhất là đối với những trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích làm việc, học tập, hợp tác đầu tư.

Thiếu tướng Ngô Văn Hùng, thành viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội kiến nghị: “Trong Luật này chúng tôi mong muốn ở phần cư trú của người nước ngoài phải làm cụ thể hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa để qua đó các ngành biết làm thế nào, từ trung ương đến địa phương làm thế nào để quản lý được người nước ngoài hoạt động theo quy chế của chúng ta. Chứ không phải chúng ta cứ để người nước ngoại nhập cảnh vào là không được. Đây là luật khi ra đời thì người nước ngoài sẽ bám vào để thi hành. Do đó ở phần cư trú của dự thảo luật tôi đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thêm những quy định chi tiết hơn để khi chúng ta có Luật rồi sẽ có hiệu quả trong công tác quản lý người nước ngoài sau này”.

Tại phiên họp các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về điều kiện cấp thị thực; kiểm soát hoạt động xuất, nhập cảnh; công tác quản lý cư trú và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động xuất nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam./.