Sáng 4/1, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 37. Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thường trực Hội đồng dân tộc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận trình bày báo cáo sơ kết việc triển khai Kế hoạch số 48 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Theo đó, trong giai đoạn 2005-2009, hoạt động xây dựng pháp luật có những tiến bộ vượt bậc. Từ tháng 5/2005 đến hết tháng 6/2007, Quốc hội thông qua 64 Luật, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua 10 pháp lệnh; từ tháng 7/2007 đến hết tháng 11/2010, Quốc hội thông qua 64 Luật, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua 11 pháp lệnh.

Việc ban hành các văn bản luật, pháp lệnh về dân sự, kinh tế góp phần tạo lập môi trường pháp lý cho quyền tự do kinh doanh, cơ chế cạnh tranh lành mạnh chống độc quyền, nhất là tạo ra mặt bằng pháp luật chung cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Pháp luật về y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và các chính sách xã hội có bước hoàn thiện với việc ban hành các văn bản như Luật bình đẳng giới, Luật bảo hiểm xã hội, Luật khám chữa bệnh…

Tuy nhiên một số ý kiến đánh giá: ở khâu chuẩn bị, việc trình, kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh của một số cơ quan chưa đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn, còn thiên về tập hợp kiến nghị, đề xuất mà chưa có phân tích, đánh giá toàn diện đối với toàn bộ dự kiến chương trình cũng như từng dự án cụ thể. Chất lượng của một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế.

Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nêu ý kiến: “Nhìn tổng thể trong hệ thống pháp luật của chúng ta, tôi thấy còn nhiều băn khoăn. Bởi vì khi trình ra Luật với chính sách riêng lẻ như hiện nay thì rất khó để có cái nhìn tổng thể, toàn diện, toàn bộ chính sách đã đồng bộ hay chưa. Riêng chính sách xã hội, tôi thấy luật trước, luật sau, chính sách không đồng bộ, bất cập”.

Về định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2011-2020, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị, về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, hoàn thiện pháp luật về kinh tế, giáo dục, văn hoá, y tế, tôn giáo…

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị, cần nghiên cứu theo hướng giao quyền chất vấn cho Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội.

Chiều 4/11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Kiểm toán độc lập./.