Trong hai ngày 3 và 4/6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các buổi thảo luận được truyền hình và phát thanh trực tiếp dự kiến thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân theo dõi.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được coi là đạo luật quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống chính trị, kinh tế-xã hội và nhân dân. Để hiểu hơn về việc lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo, phóng viên VOV online phỏng vấn ông Phan Trung Lý, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

PV:
Xin ông cho biết nhận xét về quá trình lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội và tầng lớp nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992?

Ông
Phan Trung Lý
:
Việc lấy ý kiến nhân dân cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một trong những việc làm quan trọng tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Đến nay, Ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp đã gửi tới Quốc hội báo cáo tiếp thu giải trình đầy đủ các nội dung về sửa đổi Hiến pháp và báo cáo tổng hợp ý kiến của nhân dân gồm 8 tập. Trên cơ sở đó, các đại biểu Quốc hội xem xét, góp ý đến từng nội dung cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Qua theo dõi những buổi thảo luận ở tổ đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi thấy các đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp ý kiến rất nghiêm túc và thẳng thắn, với tinh thần trách nhiệm cao.

Các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 dưới nhiều hình thức phong phú đa dạng, coi đây là đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng, thể hiện sự dân chủ của chế độ ta. Qua đó, thể hiện tinh thần làm chủ của nhân dân rất cao.

Trong lịch sử lập hiến của nước ta, có nhiều lần lấy ý kiến của nhân dân nhưng tôi thấy, lần lấy ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được coi là sâu rộng nhất, tinh thần trách nhiệm của nhân dân cũng được thể hiện rất rõ. Qua thống kê, có tới hàng chục triệu lượt ý kiến đóng góp của tầng lớp nhân dân cho Dự thảo. Điều này cho thấy, nhân dân ta rất quan tâm đến những công việc chung của Nhà nước, các chính sách pháp luật mà Nhà nước ban hành...

Người dân ở trong nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài  tham gia đóng góp vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 rất tâm huyết, với nhiều ý kiến khác nhau.

ong-phan-trung-ly.jpg
Ông Phan Trung Lý

PV:
Thưa ông, có thể nói, đại biểu Quốc hội có vai trò rất quan trọng khi đóng góp ý kiến và quyết định có thông qua Dựthảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hay không. Qua những lần thảo luận ở tổ và theo dõi lấy ý kiến, ông có thể cho biết, trong những phiên thảo luận ở Hội trường, các đại biểu sẽ tập trung đóng góp vào những vấn đề nào?

Ông
Phan Trung Lý
:
Trong hai ngày 3 và 4/6 thảo luận tại Hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu Quốc hội sẽ tíchh cực đóng góp ý kiến trên cơ sở những vấn đề đã được báo cáo của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trước Quốc hội.

Tôi nghĩ rằng, các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung đóng góp ý kiến đến những vấn đề quan trọng như: Chế độ chính trị (chương I), thực hiện quyền lực Nhà nước, quyền dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Các đại biểu Quốc hội cũng sẽ quan tâm tới những quy định trong bảo vệ Tổ quốc; vai trò của các lực lượng vũ trang trong bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh-quốc phòng toàn dân; trách nhiệm của lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tôi nghĩ rằng, các đại biểu sẽ thống nhất về vai trò và trách nhiệm của lực lượng vũ trang. Lực lượng vũ trang có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng an ninh, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và là lực lượng tuyệt đối phải trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến tổ chức của bộ máy Nhà nước và  vai trò của chính quyền địa phương trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Trong 2 ngày thảo luận tại Hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu sẽ đóng góp đến những vấn đề về kinh tế, nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, các thành phần kinh tế...

Hiện nay, đa số các ý kiến đều thống nhất, nước ta đang là nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu. Tuy nhiên, các thành phần kinh tế sẽ quy định cụ thể trong Hiến pháp như thế nào thì cũng có ý kiến khác nhau. Có ý kiến quy định là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần quy định rõ 5 thành phần kinh tế: Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế đầu tư nước ngoài... Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Hiến pháp không nên ghi cụ thể 5 thành phần kinh tế vì các thành phần kinh tế có thể thay đổi tùy từng giai đoạn khác nhau.

Về sở hữu đất đai, qua theo dõi và lấy ý kiến nhân dân, đa số đều tán thành với quy định sở hữu toàn dân về đất đai. Thế nhưng, việc thực hiện sở hữu toàn dân đó như thế nào; vai trò của Nhà nước trong việc quản lý đất đai ra sao lại là những vấn đề hết sức khó khăn.

Nhiều các đại biểu Quốc hội còn quan tâm đến vấn đề thu hồi đất. Một số ý kiến nêu ra là có nên tồn tại quy định việc thu hồi đất không. Còn đa phần đại biểu cho rằng, nên quy định việc thu hồi đất để phục vụ cho các mục đích an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội, lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng.

Trong vấn đề thu hồi đất để phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội thì có nhiều ý kiến khác nhau. Theo đó, cần phải có những quy định riêng đối với việc thu hồi đất cho việc phát triển kinh tế-xã hội Nhà nước và thu hồi đất cho các dự án kinh tế có sự đóng góp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

PV:
Xin ông cho biết những công đoạn tiếp theo sau khi Quốc hội thảo luận ở hội trường vềDự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992?

Ông
Phan Trung Lý
:
Sau khi các đại biểu thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ tập hợp tất cả ý kiến của đại biểu một cách đầy đủ, cụ thể. Sau đó, Ủy ban sẽ chỉ đạo Ban biên tập chọn lọc những ý kiến nào có thể tiếp thu để tiếp tục chỉnh lý. Cùng với việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, Ủy ban sẽ củng cố và thống nhất các ý kiến lại để hoàn chỉnh Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Sau đó, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong kỳ họp Quốc hội vào cuối năm 2013.

Trong kỳ họp Quốc hội tới, nếu thấy Dự thảo đáp ứng được yêu cầu, thể hiện được ý chí của Quốc hội, nguyện vọng của nhân dân thì Quốc hội sẽ thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Nếu Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được thông qua thì vai trò của các cơ quan Nhà nước và tầng lớp nhân dân rất quan trọng trong việc tổ chức, thi hành thực hiện, đưa các quy định của Hiến pháp vào thực tiễn cuộc sống. Nhiệm vụ của các cơ quan và nhân dân sẽ giúp cho Hiến pháp trở thành đạo luật cơ bản của Nhà nước ta.

PV:
Xin cảm ơn ông!./.