Chiều nay (15/4), tại Hà Nội, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 5 để góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến thảo luận tập trung vào nội dung liên quan đến Chương 2 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và Chương 3 về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường.

Góp ý vào các điều khoản trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, các thành viên Ủy ban tập trung thảo luận, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan trực tiếp đến lĩnh vực của Ủy ban như chính sách ưu đãi đối với người có công, chính sách việc làm, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân…

Liên quan đến chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, khoản 2 Điều 63 của Dự thảo quy định: “Nhà nước và xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với nước”. Nhiều ý kiến cho rằng: Quy định như vậy dễ dẫn đến cách hiểu ưu đãi người có công là một bộ phận của chính sách an sinh xã hội. Trong khi đây là một chính sách độc lập và là chính sách cao nhất trong hệ thống chính sách xã hội. Do vậy đề nghị chuyển khoản 2 thành khoản 1 sẽ phù hợp hơn.

Bà Cù Thị Hậu, đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đề nghị: Cần có quy định riêng về chính sách đối với người cao tuổi. Theo bà Cù Thị Hậu: “Gắn trực tiếp vào Điều 63 về người cao tuổi với các đối tượng người nghèo, người khuyết tật là không nên. Tôi đề nghị có thể đưa vào một ý trong Điều 40 là người cao tuổi có quyền được gia đình, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Tôi cho rằng quy định như thế rất gọn, thể hiện trong các điều của Luật người cao tuổi để cập. Tôi thấy không nên đưa vào chính sách trợ giúp xã hội nói chung, mà nên quy định riêng ở Điều 40 hoặc Điều 63 là phù hợp”.

Quy định về bảo đảm an sinh xã hội cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Điều 41 của Dự thảo Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền được bảo vệ sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế”. Đa số ý kiến đề nghị thay từ “công dân” bằng “mọi người” vì quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe là quyền con người chứ không phải chỉ là quyền của công dân.

Về quyền bình đẳng trong sử dụng các dịch vụ y tế, đại biểu Phạm Đức Châu, đoàn Quảng Trị cho rằng: “Hiện nay chúng ta đang quy định giá viện phí, rất nhiều người không đồng tình. Theo người dân, giá viện phí này chưa cộng phần Nhà nước đầu tư mới có giá rẻ như thế, còn ở nước ngoài là đắt đỏ. Giá này chỉ phù hợp với người có bảo hiểm y tế, người không có thẻ bảo hiểm cũng được hưởng giá đó, như vậy là không công bằng. Do đó không bao giờ có bảo hiểm y tế toàn dân. Người dân muốn phân biệt giữa người có thẻ bảo hiểm y tế với người không có thẻ bảo hiểm y tế”.

Ngoài ra, các ý kiến thảo luận tại phiên họp cũng tập trung vào các vấn đề liên quan đến quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo, quyền bình đẳng giới./.