Về nội dung thay đổi tên nước trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ông Nguyễn Hạnh Phúc-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trước thềm kỳ họp thứ 5 cho biết: “Tại kỳ họp này, hai phương án thay đổi tên nước cũng được trình Quốc hội xem xét, xin ý kiến”.

Cũng theo ông Phúc, tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã có trong Hiến pháp 1946. Đến tháng 7/1976, tên nước đổi thành CHXHCN Việt Nam. Tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã tồn tại 30 năm. Tên nước hiện nay đã tồn tại 37 năm. Tên nước hiện nay thể hiện con đường tiến lên XHCN. Thực tế, tên nước không có ảnh hưởng gì tới quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới và các loại giấy tờ của chúng ta.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trên cơ sở ý kiến của Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tiếp tu, hoàn chỉnh bản dự thảo Hiến pháp công bố lấy ý kiến nhân dân (ngày 2/1/2013).

Sau 4 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/12/2012 của Quốc hội về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các cơ quan, tổ chức, địa phương đã tiến hành tổ chức lấy ý kiến nhân dân một cách khẩn trương, đồng bộ, dân chủ, rộng khắp và đúng tiến độ theo Nghị quyết của Quốc hội. Việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2013, thu hút và nhận được sự quan tâm sâu sắc, đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Theo báo cáo của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, tính đến hết ngày 30/4/2013 đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến đóng góp của nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức. Nhìn chung, ý kiến của nhân dân đều tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp công bố, đồng thời nhân dân cũng tham gia nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắng và trách nhiệm cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến đối với hầu hết các chương, điều của dự thảo.

Dự thảo trình Quốc hội lần này cơ bản giữ bố cục như dự thảo đã công bố lấy ý kiến nhân dân, đồng thời đã được tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến trên cơ sở ý kiến của nhân dân ở hầu hết các chương, điều của dự thảo./.