Một số ý kiến cho rằng: Bản dự kiến tiếp thu, chính lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp bỏ điều 10 nói về công đoàn của Hiến pháp 1992 có phần hạ thấp vai trò của Công đoàn Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam khai sinh và lãnh đạo hơn 80 năm qua. Do vậy, rất nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải giữ lại điều 10 của Hiến pháp năm 1992.
Khẳng định vai trò của Công đoàn Việt Nam, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng:“Việc khẳng định vị trí, vai trò của Công đoàn Việt Nam trong Hiến pháp là một điều tất yếu, vừa đảm bảo lợi ích của người lao động vừa thể hiện tinh thần tiếp thu Hiến pháp 1992 mà không trái quy định của pháp luật. Công đoàn là tổ chức công hội đầu tiên, là nòng cốt hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Khẳng định điều 10 trong Hiến pháp là cần thiết, khách quan, phát huy tính chất của Hiến pháp. Đặc biệt đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
PGS-TS Nguyễn Viết Thông - Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: Có 3 cơ sở lý luận và thực tiễn để khẳng định nên giữ điều 10 về Công đoàn. PGS-TS Nguyễn Viết Thông nói: “Thứ nhất là nghiên cứu Hiến pháp trên thế giới có một số nước có điều khoản riêng quy định về công đoàn nên Việt Nam có một điều là bình thường. Thứ hai, sửa đổi bổ sung Hiến pháp 1992 kế thừa quy định còn hợp lý. Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 đều có điều 10 quy định về công đoàn, điều này đã được khẳng định”.
Ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì cho rằng: Phải khẳng định được vai trò công đoàn trong Hiến pháp. Bởi tổ chức công đoàn là chỗ dựa rất quan trọng cho Đảng, Nhà nước.
Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến đề nghị: Cần sửa đổi, bổ sung điều 10 của dự thảo cho chặt chẽ, chính xác hơn. Từ đó, làm cơ sở để sửa đổi, bổ sung những quy định về Công đoàn Việt Nam cho phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và yêu cầu xây dựng, phát triển giai cấp công nhân trong thời kỳ mới./.