Một trong những nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được người dân trong và ngoài nước quan tâm và đóng góp ý kiến tâm huyết là Điều 4, đề cập vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, không phải tất cả đều đóng góp với tinh thần xây dựng. Để hiểu thêm về nội dung này, phóng viên Đài TNVN phỏng vấn PGS-TS Đỗ Ngọc Ninh, Giảng viên cao cấp về xây dựng Đảng thuộc Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

PV:Thưa ông, khi đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, có ý kiến kêu gọi loại bỏ Điều 4 ra khỏi Dự thảo, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Là người nghiên cứu và giảng dạy về lĩnh vực xây dựng Đảng, ông có nhận xét thế nào về ý kiến này?        

hienphap222.jpg
PGS-TS Đỗ Ngọc Ninh: Việc đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp không phải đến bây giờ khi lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, những người thiếu thiện chí mới đưa ra vấn đề này. Không chỉ ở Việt Nam mà tất cả các Đảng Cộng sản trên thế giới, từ khi công xã Paris giành được chính quyền cho đến Cách mạng tháng Mười, các thế lực thù địch đều đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Việc này lặp đi, lặp lại nhiều lần nhưng họ chưa đạt được ý đồ và chắc chắn họ sẽ không bao giờ đạt được.

Điều này cũng nằm trong diễn biến hòa bình, đòi bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đi tới đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Bài học lớn nhất mà chúng ta có thể thấy là sự sụp đổ của các nước XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, nhất là Liên Xô.   

PV: Với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và việc Đảng chỉ ra “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức”, đã có người cho rằng, đây là cơ hội cho một sự thay đổi triệt để -  thay đổi sự lãnh đạo của Đảng. Ông có bình luận gì về quan điểm trên?

PGS-TS Đỗ Ngọc Ninh: Nghị quyết Trung ương 4 chỉ ra một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức. Trong các thời kỳ trước, điều này cũng đã tồn tại và đã được Đảng chỉ ra. Bất kỳ tổ chức nào cũng  có người nọ, người kia. Nhưng lấy việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 để xoáy vào vai trò lãnh đạo của Đảng là chưa thỏa đáng, bởi vì trong tổng số hơn 4 triệu Đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi nghĩ, tuyệt đại bộ phận vẫn một lòng một dạ, mong muốn Đảng vững mạnh, đất nước phát triển.

Bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào trong quá trình hoạt động của mình cũng không tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm. Bác Hồ đã nói rằng, chỉ trừ những đứa trẻ nằm trong bụng mẹ và những người đã qua đời mới không có khuyết điểm. Cái quan trọng nhất là phải nhận ra khuyết điểm đó và tích cực sửa chữa để tiến lên.

Trong hơn 80 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã thấm nhuần và làm được điều này và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 cũng vậy. Tuy nhiên, đây là một quá trình, không thể thực hiện ngày một ngày hai được mà phải thường xuyên và liên tục với quyết tâm chính trị cao.

PV:Thưa ông, với tình hình cách mạng nước ta hiện nay, mục tiêu cơ bản, bao trùm là giữ vững ổn định chính trị để phát triển đất nước. Việc giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng có phải là điều kiện tiên quyết để giữ gìn ổn định cho phát triển không, thưa ông?

PGS-TS Đỗ Ngọc Ninh: Đúng như vậy, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết để giữ vững ổn định chính trị và để đất nước phát triển. Trong tình hình hiện nay, bài học này càng cần phải thấm nhuần và thực hiện một cách sâu sắc.

Nếu không giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng thì ở trong nước sẽ có nhiều lực lượng chính trị tranh giành quyền lực, hình thành các phe nhóm, đảng phái đối lập với nhau và đất nước sẽ không thể tránh khỏi rối loạn chính trị. Người chịu hậu quả cuối cùng là nhân dân.

Trong điều kiện hiện nay, chúng ta vừa phải xây dựng đất nước, vừa phải có những chủ trương, giải pháp, sách lược hợp tình, hợp lý để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Điều này tất yếu phải đòi hỏi rất cao ở vai trò lãnh đạo của Đảng.   

PV: Thưa ông, khi góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông có nói rằng: “ Những quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội ta trong Điều 4 Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) không phải do ý muốn chủ quan và sự áp đặt của Đảng, mà do thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Đảng và những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước”. Vì sao ông lại khẳng định như vậy? 

PGS-TS Đỗ Ngọc Ninh: Đây là một nhận thức phổ biến. Chính thực tiễn hơn 80 năm lãnh đạo đất nước của Đảng đã khẳng định điều đó. Những thành quả to lớn mà Đảng đem lại cho mỗi gia đình, mỗi người dân đất Việt thì ai cũng có thể nhận thấy. Không một lực lượng chính trị nào có thể làm được điều đó. Từ thực tế đó, nhân dân Việt Nam đã thừa nhận và suy tôn Đảng là người lãnh đạo của mình.

Hiến pháp là văn bản pháp luật cao nhất nên phải ghi rõ vai trò lãnh đạo của Đảng. Đây cũng là nguyện vọng, ý chí rất lớn của nhân dân Việt Nam chứ không phải Đảng muốn áp đặt như vậy.  Dù thừa nhưng tôi vẫn phải nhắc lại thực tế ấy.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mở ra một thời kỳ mới cho lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, đi từ kiếp nô lệ, trở thành người làm chủ và tiến vào kỷ nguyên độc lập tự do. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại thắng mùa Xuân 1975, Đảng đã hoàn thành toàn bộ cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất tổ quốc, cả nước cùng đi lên CNXH.

Đặc biệt, tôi phải nhắc lại thời kỳ giành chính quyền cuối năm 1945, đầu năm 1946. Tình thế cách mạng nước ta ngàn cân treo sợi tóc, thù trong giặc ngoài nhưng Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua thời kỳ khó khăn đó. Gần đây, các nước XHCN trên thế giới tiến hành cải cách, cải tổ nhưng không phải nước nào cũng thành công, có nước đã sụp đổ như Liên Xô và Đông Âu. Ngược lại, ở Việt Nam, Đảng đã đưa đất nước vượt qua khủng hoảng toàn diện đất nước trong những thập niên 80, không những không bị sụp đổ mà còn vững vàng phát triển đến ngày nay. Đó là giai đoạn cực kỳ khó khăn. Nếu thất bại thì toàn bộ công sức, mồ hôi, xương máu của cả dân tộc coi như vô ích.     

PV:Trở lại Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, theo đánh giá chung, Điều 4 đã thể hiện và quy định rõ hơn vai trò lãnh đạo của Đảng trong điều kiện hiện nay, nhấn mạnh sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Ông có ý kiến đóng góp gì cho Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992?

PGS-TS Đỗ Ngọc Ninh: Tôi có đóng góp vào điểm 2 của Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Để nhấn mạnh vai trò lãnh đạo gắn với trách nhiệm của Đảng, theo tôi có thể điều chỉnh diễn đạt mục này của Điều 4 như sau: "Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình và chịu sự giám sát của nhân dân”, nghĩa là đưa cụm từ “ chịu trách nhiệm trước nhân dân” lên trước cụm từ “ chịu sự giám sát của nhân dân”.

Điều 4 quy định hoạt động của các tổ chức Đảng và đảng viên đều phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đây là quy định nghiêm ngặt về pháp lý đối với hoạt động của Đảng, của các tổ chức Đảng và đảng viên. Quy định này, cũng được ghi trong Điều lệ Đảng, và được xác định là một nguyên tắc hoạt động của Đảng. Và như vậy, tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm pháp luật thì không chỉ bị xử lý theo pháp luật, mà còn bị xử lý theo quy định của Điều lệ Đảng. Đảng không cho phép lấy việc xử lý theo pháp luật thay cho kỷ luật của Đảng. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.