Vai trò, vị trí của công đoàn được thể hiện tại Điều 10 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Ban soạn thảo đã đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là bỏ Điều 10, Ban dự thảo lý giải rằng chuyển nội dung của Điều 10 vào Khoản 2, Điều 9; Phương án 2 là giữ lại Điều 10 theo như dự thảo trình xin ý kiến của nhân dân.
Trong thảo luận tại hội trường hôm nay (3/6), Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (đoàn Đồng Nai) đề nghị chọn phương án 2, tức là giữ lại Điều 10 quy định về công đoàn Việt Nam.
Lý do giữ lại Điều 10 được đại biểu Đặng Ngọc Tùng đưa ra đầu tiên là tính lịch sử. Đây là sự kế thừa hợp lý và đúng đắn. Ngay từ Hiến pháp 1959 khi chưa có bất cứ một tổ chức chính trị xã hội nào được quy định trong Hiến pháp thì đã có quy định về công đoàn Việt Nam tại Điều 10 của Hiến pháp 1959. Nhưng lúc đó không phải là một điều riêng biệt mà cùng với hợp tác xã, với nhà nước để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Hiến pháp 1980 đã dành riêng Điều 10 quy định về công đoàn Việt Nam. Cụ thể, công đoàn là tổ chức quần chúng rộng lớn của giai cấp công nhân Việt Nam, là trường học cộng sản, là trường học quản lý kinh tế, quản lý nhà nước và trong phạm vi chức năng của mình thì công đoàn tham gia công việc của nhà nước, kiểm tra hoạt động của cơ quan nhà nước....
“Từ Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp 1992 đều có một điều riêng về công đoàn, kể cả tu chỉnh các năm sau như năm 2001 đều có một điều riêng về tổ chức công đoàn. Việc mang tính kế thừa là đúng đắn” – đại biểu dẫn chứng.
Lý do thứ hai, hiện tại, không chỉ có nước ta mới quy định về Điều 10 mà một số nước khác trên thế giới cũng đã có quy định về công đoàn, ví dụ như Nga, Brazil, Ukraine, kể cả Hiến pháp của nước tư bản là Thụy Điển cũng có quy định riêng về công đoàn. “Quy định về công đoàn như vậy không phải cá biệt mà phù hợp với xu thế tiến bộ trên thế giới và hội nhập” – ông Đặng Ngọc Tùng nói.
Lý do thứ ba, là Đảng cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân và việc Hiến pháp có quy định về công đoàn để góp phần củng cố bản chất giai cấp công nhân của Đảng căn cứ vào cương lĩnh và nghị quyết của Đảng. Đại hội lần thứ 11 của Đảng đã bổ sung Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước, tiếp tục khẳng định bản chất của Đảng cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân... đã nói rất cụ thể về tổ chức công đoàn. Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành trung ương Đảng Khóa XI về việc triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp cũng đưa ra 6 quan điểm, trong đó nói rằng chúng ta sửa đổi những vấn đề gì thực sự cần thiết còn những vấn đề gì đã ổn định là chúng ta không nên sửa đổi.
Đặc biệt, thông báo 86 ngày 06 tháng 4 năm 2012 ý kiến của Bộ Chính trị về tổng kết thi hành Hiến pháp nêu rõ: giữ Điều 9, Điều 10 và bổ sung thêm chức năng, vai trò phản biện của các tổ chức chính trị xã hội.
Lý do thứ tư, hiện tại và tương lai, các thành phần kinh tế ở nước ta là phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa và các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển, trong đó có kinh tế tư nhân, có kinh tế ngoài nhà nước và đặc biệt là các thành phần kinh tế FDI, các nhà đầu tư nước ngoài... Cho nên việc chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân và người lao động càng được đặt ra.
Vấn đề thứ năm, nước ta đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì số lượng công nhân ngày càng lớn mạnh, vai trò, vị trí ngày càng phải được đặt ra. “Từ những lý do trên, chúng tôi kiến nghị giữ lại Điều 10 trong Hiến pháp, nhưng đề nghị bổ sung thêm chức năng phản biện xã hội như ý kiến kết luận của Bộ Chính trị”- đại biểu Tùng kiến nghị.
Đại biểu Trần Văn Tư (Đồng Nai) cũng đồng tình theo phương án 2 của dự thảo. Ngoài các lý do đại biểu Đặng Ngọc Tùng nêu, đại biểu Trần Văn Tư cho rằng: Hiện nay trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa vai trò của công đoàn ngày càng lớn. Nếu nói trong thành viên Mặt trận Tổ quốc thì các tổ chức thành viên đều có chức trách, nhiệm vụ, cùng mục đích chung nhưng mỗi tổ chức có vị trí, vai trò khác nhau. “Tôi thấy vai trò của Công đoàn không thể thiếu trong Hiến pháp” – đại biểu nói.
Cần phải giữ Điều 10 về Công đoàn để bảo đảm hoạt động của tổ chức này. Bởi hiện nay những vùng có lực lượng công nhân với số lượng đông thì vai trò công đoàn cũng rất lớn. Tổ chức này bảo đảm sự cân bằng phát triển giữa nghĩa vụ của người lao động và quyền lợi của người lao động. Nếu không có tổ chức công đoàn và Công đoàn không được đặt đúng vị trí của nó thì điều đó là điều bất lợi.
Bày tỏ đồng tình với các đại biểu về việc hiến định vai trò của công đoàn đại biểu Giàng Thị Bình (đoàn Lào Cai) cho rằng thực tiễn đã chứng minh công đoàn là một tổ chức chính trị xã hội có nhiều đặc điểm khác biệt với các tổ chức chính trị xã hội khác. Vì vậy công đoàn đã được ghi nhận trong Hiến pháp nước Việt Nam gần 55 năm qua. Công đoàn luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, là tổ chức chính trị xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động. Trong đó giai cấp công nhân là đội quân tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời là lực lượng nòng cốt liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong mọi giai đoạn. “Vì vậy việc giữ lại Điều 10 quy định công đoàn Việt Nam như dự thảo đã công bố là để tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của tổ chức công đoàn là hoàn toàn đúng đắn” – đại biểu Giàng Thị Bình nói./.