Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định và nhấn mạnh cần phải chú ý quan tâm đến các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung là phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và nhằm thực hiện mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng nông thôn với vùng thành thị, giữa miền núi với miền xuôi.

Góp ý nội dung này, nhiều ý kiến cho rằng, để các tỉnh miền núi phát triển, bên cạnh các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước, cần có chính sách động viên, khuyến khích để người dân địa phương tự vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững.

mien_nui_ohgt.jpg
Ðồng bào dân tộc Thái ở huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đầu tư chăn nuôi bò, từng bước thoát nghèo (Ảnh: Nguyễn Duy)

Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tiếp tục khẳng định, bổ sung, phát triển chủ trương, đường lối của Đảng đối với vùng dân tộc, miền núi. Một trong những điểm nổi bật trong Dự thảo Báo cáo chính trị là đề cập vấn đề phát triển giáo dục - đào tạo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số”.

Đồng tình với chủ trương này, bà Triệu Thị Hoa, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng là động lực để phát triển các tỉnh miền núi là nguồn nhân lực.

“Đối với các tỉnh miền núi, tiềm năng phát triển rất hạn chế. Chính vì thế tôi mong Đảng và Nhà nước có một chế độ chính sách đặc biệt để thu hút, đãi ngộ tầng lớp trí thức tài; Tiếp tục có những chính sách phù hợp, đúng đắn, đặc biệt với con em của đồng bào dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ có chế độ ưu đãi đặc biệt để bố trí tạo công ăn việc làm cho con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa”, bà Hoa nêu ý kiến.

Một số ý kiến đề nghị, cần có các chính sách hỗ trợ sản xuất cho người dân, từ đó khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông - lâm nghiệp của vùng. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp có nguồn đầu tư, đặc biệt các ngành tiểu thủ công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương, để các tỉnh miền núi tiếp tục có những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của đất nước. Từ kinh nghiệm phát triển của những huyện miền núi ở địa phương, Tiến sỹ Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết:  “Chúng tôi tập trung ứng dụng công nghệ sinh học, khoa học kỹ thuật tiến bộ để tập trung xây dựng miền Tây của Nghệ An trở thành vùng nguyên liệu gắn liền với công nghiệp chế biến. Tập trung phát triển nông nghiệp gắn với chế biến công nghiệp công nghệ cao để tạo sản phẩm phục vụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời chúng tôi tập trung khai thác và chế biến khoáng sản, đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ đối với đồng bào. Tôi cho rằng, Đại hội XII phải tập trung để tạo ra đột phá kinh tế lớn, xây dựng con người văn hóa phù hợp đáp ứng với yêu cầu của thời đại mới”.

Do có nhiều khó khăn về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu, cách xa những vùng trung tâm và các đô thị lớn, nên các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung sự phát triển còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng trung của cả nước.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn, phần nói về vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII ngắn gọn hơn so với những Đại hội trước, nhưng lại có tầm bao quát hơn, cụ thể và sâu sắc hơn. Điều đó phản ánh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với vùng đồng bào miền núi không ngừng được củng cố và phát triển.

Để các tỉnh miền núi nhanh chóng tiến kịp với miền xuôi, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, cần có chính sách đặc thù để cho các tỉnh miền núi phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng.

"Tôi mong muốn Đảng đưa ra quan điểm phát triển phù hợp đối với các tỉnh và các vùng miền, để phát huy được thế mạnh của các tỉnh miền núi. Ngoài phát huy thế mạnh cần chú trọng liên kết vùng, trước hết là liên kết về du lịch, hoặc liên kết chia sẻ về những mô hình tăng trưởng", ông Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị.

Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đây đều là những địa bàn có vị trí đặc biệt của nước ta. Chủ trương của Đảng về phát triển vùng dân tộc, miền núi nhằm giải quyết hai vấn đề cơ bản và cốt lõi nhất của vùng dân tộc, miền núi, đó là xóa đói giảm nghèo và nâng cao dân trí để các tỉnh miền núi tiếp tục phát triển, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước trong thời gian tới./.