“Khoảng cách giàu - nghèo, phân hoá xã hội ngày càng tăng” là một trong bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ rõ trong Dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Các nhà nghiên cứu, các chuyên gia nhận định, Đảng ta đã sáng suốt nhận diện rõ và lường trước những nguy cơ của sự chênh lệch giàu nghèo, phân hóa xã hội đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy cần có những chủ trương chính sách đúng để điều chỉnh, khắc phục nhằm từng bước thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Theo các nhà nghiên cứu xã hội học, từ khi thực hiện đổi mới, bước sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng. Trong đó thu nhập bình quân đầu người từ mức 100 USD/người/năm vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, thì đến hết năm nay thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 2.200 USD, tăng gấp 22 lần.
Tuy nhiên, thu nhập cao lại chỉ tập trung ở từng khu vực, từng nhóm đối tượng. Hiện cả nước vẫn còn 64 huyện có tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%, với thu nhập chỉ gần 220 USD, tương đương với gần 4,8 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh những đám cưới siêu sang với dàn xe hàng chục tỷ đồng, vẫn còn không ít những người sống trong hoàn cảnh khó khăn, cơm không đủ ăn, không có tiền chữa bệnh…
PGS.TS Phạm Xuân Nam. |
Từ thực tiễn mất ổn định ở một số quốc gia, GS.TS Phạm Xuân Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng sự phân hóa giàu nghèo, mâu thuẫn về quyền lợi sẽ dẫn tới sự mất ổn định xã hội. Xã hội không ổn định sẽ ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế.
Hộ nghèo, người nghèo, chủ yếu tập trung ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện tự nhiên, xã hội nhiều khó khăn; ở các hộ không có trình độ, tay nghề, hoặc trình độ tay nghề, học vấn thấp. Khắc phục những tồn tại này, những năm qua, Đảng Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ hộ nghèo nhằm rút ngắn dần khoảng cách. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo đã giảm bình quân 5%/năm. Tuy nhiên nguy cơ tái nghèo còn cao do sinh kế của người dân chưa thật bền vững. Địa hình miền núi, điều kiện sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, giao thông ở các bản làng chưa thuận tiện, phát triển thương mại, dịch vụ thấp, chưa thu hút được nhà đầu tư.
Thạc sỹ Xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng cần có chính sách đầu tư để rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền. “Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số nghèo trong cả nước, ví dụ năm 2012 các xã trong diện chương trình 135, tỷ lệ hộ nghèo ở mức trên 40%, chính vì thế chúng ta cần phải đầu tư đến vùng sâu vùng xa nhiều hơn, cơ sở hạ tầng ở đó rồi những điều kiện về sản xuất nông nghiệp, khu công nghiệp, có thể nhà nước phải có những chính sách ưu tiên cho những doanh nghiệp đầu tư để phát triển ở những vùng sâu, vùng xa thì mới có cơ hội việc làm cải thiện đời sống”, Thạc sĩ Phạm Thị Thúy nêu ý kiến.
Thạc sỹ xã hội học Phạm Thị Thúy. |
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan làm tăng tỷ lệ hộ nghèo như thiên tai, hoạn nạn, thì việc thực hiện các chính sách giảm nghèo đôi khi còn thiếu tính thiết thực, đào tạo nghề không đúng nhu cầu xã hội, không đảm bảo chất lượng, thiếu khách quan trong xét duyệt hộ nghèo, không minh bạch trong hỗ trợ hộ nghèo... cũng là nguyên nhân làm tăng số người có hoàn cảnh khó khăn. Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, không đảm bảo quyền lợi của người lao động cũng gây ra những rủi ro cho cuộc sống của người lao động, dễ đẩy họ tới tình trạng nghèo hóa. Để đảm bảo quyền lợi người lao động, chính phủ đã có quy định về mức lương tối thiểu, và nhiều quyền lợi khác quy định tại Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội…
Không chỉ xác định gia tăng khoảng cách phân hóa giàu nghèo là một trong bốn nguy cơ, Dự thảo văn kiện chính trị trình Đại hội XII của Đảng còn đề ra chủ trương hạn chế tình trạng này. Theo đó, Dự thảo văn kiện có một mục hoàn toàn mới “về quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”. Trong đó đã nêu nhiệm vụ cơ bản gồm: Tạo cơ hội để mọi người có việc làm và cải thiện thu nhập. Bảo đảm tiền lương, thu nhập công bằng, đủ điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội |
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, để làm được điều đó, trước hết nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật và chính sách xã hội, tiến tới xây dựng một hệ thống an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng dễ bị tổn thương, đối tượng rủi ro. Hệ thống an sinh xã hội sẽ gồm 4 trụ cột cơ bản về phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro, khắc phục rủi ro và dịch vụ xã hội cơ bản. Trong đó, theo ông Bùi Sỹ Lợi, một trụ cột quan trọng là phòng ngừa rủi ro.
“Trụ cột đầu tiên cho an sinh xã hội chính là trụ cột đảm bảo phòng ngừa cho người dân, tức là vấn đề việc làm. Muốn không rơi vào tình trạng không có thu nhập, đời sống khó khăn thì phải có việc làm. Muốn có việc làm thì phải được học nghề. Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn tạo các điều kiện để phát triển sản xuất để không rơi vào tình cảnh không có việc làm, mất thu nhập và cuộc sống khó khăn. Muốn giải quyết được việc làm vấn đề quan trọng đầu tiên là tạo việc làm, thì phải hỗ trợ về tín dụng, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ người ta tìm việc làm và làm sao có chương trình việc làm công để giúp người nghèo ở địa phương giải quyết việc làm này để phòng ngừa rủi ro”, ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị.
Các chuyên gia cũng cho rằng rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo công bằng xã hội là gốc rễ để phát triển xã hội bền vững. Theo đó cần xây dựng, thực hiện các chính sách phù hợp với các giai tầng xã hội; có các giải pháp quản lý hiệu quả để giải quyết hài hoà các quan hệ xã hội, ngăn chặn, giải quyết có hiệu quả những bức xúc, mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột trong xã hội. Trong xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khắc phục xu hướng gia tăng phân hoá giàu nghèo, bảo đảm sự ổn định, phát triển xã hội bền vững là nền tảng để phát triển đất nước nhanh và bền vững./.