Quan tâm đến vấn đề phát triển KHCN trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng, ông Lê Hồng Khiêm, Viện Vật Lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, trải qua gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội, kể từ Ðại hội VI năm 1986 đến nay, Việt Nam đã thu được những thành tựu to lớn, hết sức ấn tượng về phát triển kinh tế, đã giúp nâng cao thu nhập của nhân dân và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhiều người. Giai đoạn nàycũng đã tạo ra những tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ứng dụng KHCN chưa đáp ứng yêu cầu
Nhiều thành tựu khoa học và công nghệ mới đã được ứng dụng, góp phần rất quan trọng vào việc nâng cao nǎng suất, chất lượng và hiệu quả trong các nghành sản xuất nông nghiệp, y tế, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải, xây dựng, nǎng lượng, dầu khí, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu... xây dựng và củng cố quốc phòng - an ninh. Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ đã có những tiến bộ rõ rệt.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Khiêm cần phải nhận thức rằng những thành tựu trên còn rất nhỏ bé so với mức độ phát triển của kinh tế xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới và chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Khoa học và công nghệ còn nhiều yếu kém, đặc biệt trong việc ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển kinh tế xã hội. “Mặc dù trong những năm qua, Đảng và Chính phủ luôn coi khoa học công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội thể hiện qua việc ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến khoa học và công nghệ nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng việc ứng dụng khoa học công nghệ trong thời gian qua chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra do rất nhiều nguyên nhân”.
Giáo sư, Tiến sỹ Trương Nam Hải, Chủ tịch Hội đồng ngành Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam |
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trương Nam Hải, Chủ tịch Hội đồng ngành Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, vệc xây dựng Chiến lược phát triển khoa học của Việt Nam đã được quan tâm nhưng cách thực hiện chưa thực sự hiệu quả, chưa xác định được đâu là đối tượng cần ưu tiên, đâu là thế mạnh để phát triển sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường trong cuộc cạnh tranh với thế giới trong quá trình hội nhập. Vì vậy, cần xây dựng định hướng nghiên cứu khoa học - công nghệ phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng ngành, từng địa phương, với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội củangành và địa phương đó.
Việc xây dựng chiến lược phát triển khoa học phù hợp sẽ giúp cho việc tập trung hiệu quả hơn các nguồn tiềm lực về vật chất và con người nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết của thực tiễn sản xuất. Điều quan trọng trong việc xây dựng chiến lược đúng đắn là để chuyển giao khoa học-công nghệ một cách hiệu quả cần chú ý những nội dung về kỹ thuật công nghệ và các nội dung về kinh tế và tổ chức, như: tổ chức sản xuất, liên kết kinh tế, thông tin về thị trường và tiêu thụ sản phẩm. Những nội dung này là điều kiện cần thiết để các thành tựu về khoa học-công nghệ có thể phát huy đầy đủ hiệu quả trong thời gian tới.
Phải thay đổi tư duy đầu tư cho KHCN
Đặt vấn đề cần làm gì có những đột phá trong ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ cho việc phát triển nền kinh tế của Đất nước?, ông Lê Hồng Khiêm, Viện Vật Lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh: Đây vấn đề rất lớn và để tìm ra lời giải, cần có sự đầu tư nhân lực một cách nghiêm túc. Các cơ quan quản lý cần xây dựng các tiêu chí minh bạch và định lượng để đánh giá để đánh giá hiệu quả việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ của các cơ sở nghiên cứu và các trường đại học hưởng ngân sách nhà nước. Đây là giải pháp đầu tiên cần thực hiện. Song song với đó, cần nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt chất lượng đào tạo ở bậc đại học; có cơ chế đãi ngộ thích hợp cho các cán bộ nghiên cứu ứng dụng khoa học làm việc hiệu quả; tăng kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ; phát triển thị trường khoa học công nghệ; tăng cường chất lượng các sở khoa học công nghệ và các trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ ở các địa phương…
GS.TSKH Nguyễn Khoa Sơn, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho rằng, cần đề ra chỉ tiêu cụ thể về mức đầu tư cho KHCN từ ngân sách nhà nước (đạt tối thiểu 2 %) và từ GDP (đạt 1%) trong giai đoạn 2016-2020. Phải có chính sách cụ thể huy động nguồn đầu tư của xã hội và doanh nghiệp, nguồn đầu tư nước ngoài cho nghiên cứu và ứng dụng KHCN.Bộ trưởng Nguyễn Quân (ảnh phải) nói chuyện với GS.VS Nguyễn Văn Hiệu |
Cùng với đó, GS.TSKH Nguyễn Khoa Sơn cũng cho rằng, để phát triển KHCN cần tập trung vào lĩnh vực khoa học và công nghệ ứng dụng, nhất là các công nghệ cao mũi nhọn như công nghệ thông tin và truyền thông, điện tử, tự động hóa, công sinh học, công nghệ vật liệu tiên tiến, trong đó có việc mua bằng phát minh, sáng chế rồi cải tiến, nâng cao phù hợp với điều kiện của Việt Nam và nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Các nền kinh tế đi trước, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều “đi tắt đón đầu” khá thành công bằng cách này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, phải thay đổi tư duy đầu tư cho KHCN. Việt Nam đang bị bệnh sính của người giàu. Việt Nam nghèo nhưng cứ lấy chuẩn thế giới. Nghèo nhưng nghỉ làm 2 ngày/tuần, nghèo nhưng lại lấy mục tiêu chiến lược là phát triển dòng ô tô 4 chỗ trong khi máy móc nông nghiệp rất thiếu, rất cần.
Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh, càng hội nhập sâu, nhất là tham gia “sân” TPP thì càng phải đầu tư cho KHCN, thực sự coi đó là quốc sách. Các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp phải thay đổi quan điểm, hướng tới lợi ích lâu dài thay vì lợi ích trước mắt. Vừa qua Bộ KHCN ban hành thông tư cấm doanh nghiệp nhập khẩu máy móc cũ đã qua sử dụng nhiều năm nhưng bị doanh nghiệp phản ứng. Nếu còn nhập thì trình độ KHCN chúng ta còn lạc hậu, doanh nghiệp Việt Nam còn bị tụt hậu, thiếu sức cạnh tranh. Vì doanh nghiệp phản ứng mạnh nên Bộ đành lùi một bước, cho nhập nhưng phải bảo đảm tuổi sản xuất của máy móc chưa quá 10 năm./.