Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp trong niềm phấn khởi, tin tưởng của các đại biểu dự đại hội, của đông đảo đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đại hội Đảng lần thứ XII đã thể hiện đúng tinh thần "Đoàn kết, Dân chủ, Kỷ cương, Đổi mới".
Phóng viên VOV phỏng vấn Phó giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về những bài học rút ra từ Đại hội lần này.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc |
PV: Thưa ông, quá trình theo dõi những diễn biến của Đại hội XII, ông có cảm nhận như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc:Theo cảm nhận riêng của tôi, thứ nhất, Đại hội XII đã tiếp tục phát triển cương lĩnh bổ sung, phát triển ở Đại hội XI và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020), đồng thời, tổng kết rõ những vấn đề đã làm được trong nhiệm kỳ và gắn với tổng kết 30 năm đổi mới. Do đó, đã đi đến được những quyết sách quan trọng, nhất là những vấn đề về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Rồi vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền gắn với hoàn thiện hệ thống chính trị; Vấn đề phát triển xã hội và quản lý xã hội; Vấn đề về chính sách xã hội với người dân trong thời gian tới; Vấn đề bảo vệ độc lập chủ quyền, hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc. Những vấn đề đó về mặt đường lối trong văn kiện đã làm sáng tỏ thêm nhiều trên bước đường phát triển, đổi mới của đất nước.
Thứ hai, tôi hết sức quan tâm là vấn đề nhân sự. Đại hội đã bầu ra được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành mà chúng tôi hết sức kỳ vọng vào Ban lãnh đạo mới sẽ đưa đất nước mình phát triển, hiện thực hóa quan điểm đường lối của Đảng trong nhiệm kỳ tới.
Thứ ba, tôi thấy trong những ngày diễn ra Đại hội, nhân dân Việt Nam mình cả ở trong nước và nước ngoài hết sức quan tâm. Như thế, nó tạo ra sự đồng thuận, việc của Đảng cũng là việc của dân và việc của dân cũng là việc của Đảng. Đấy chính là điều đáng mừng trong đời sống chính trị của đất nước hiện nay.
Thứ tư, tôi cũng kỳ vọng và thấy mừng là vị thế của Đảng trong đời sống quốc tế. Hiện nay, Đảng ta với tư cách là đảng cầm quyền có quan hệ với 228 đảng chính trị trên thế giới, kể cả những đảng không phải là đảng cộng sản đang cầm quyền. Đại hội XII nhận được 248 điện mừng của các đảng chính trị, tổ chức trên thế giới. Tôi cảm nhận vị thế quốc tế của Đảng ta ngày càng được khẳng định.
PV: Với mỗi kỳ đại hội, công tác nhân sự luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt không chỉ ở trong nước mà cả cộng đồng quốc tế. Ông đánh giá như thế nào về công tác nhân sự tại Đại hội XII?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc:Công tác nhân sự của Đại hội XII có nhiều điểm mới. Tôi nhấn mạnh một số điểm mới quan trọng: Các đồng chí BCH Trung ương khóa XI đã nhận thức rõ về đội ngũ lãnh đạo tầm chiến lược. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã có nội dung xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp. Ngay từ đầu nhiệm kỳ công tác quy hoạch cán bộ đã được đề ra, có các lớp cán bộ dự nguồn.
Các đồng chí trúng cử vào BCH Trung ương khóa XII đều được giới thiệu từ địa phương, từ cơ sở, trải qua 4 hội nghị Trung ương từ 11 đến 14. Đây là một quá trình công phu, lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng có quy hoạch ở cấp chiến lược.
Ở đây cũng thể hiện dân chủ trong công tác cán bộ, thể hiện tinh thần đoàn kết trong Bộ Chính trị, Trung ương, tinh thần trách nhiệm của BCH Trung ương khóa XI và 1.510 đại biểu đã tạo ra sự đồng thuận, bầu ra BCH Trung ương như mong muốn. Nhìn vào các gương mặt trong BCH Trung ương, chúng tôi tin tưởng cả về đạo đức, trí tuệ, tính trung thực, tinh thần trách nhiệm, năng lực tổ chức thực tiễn…
Toàn văn Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng
PV: Nhìn từ cách thức giải quyết các vấn đề tại Đại hội XII, theo ông, đâu là bài học chúng ta cần phát huy khi triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng trong nhiệm kỳ mới?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc:Bài học hàng đầu là kiên định mục tiêu và con đường chúng ta đã lựa chọn như Bác Hồ đã đề ra ngay từ năm 1930: Đất nước hoàn toàn độc lập tự do, nhân dân được sung sướng, hạnh phúc, phát triển đất nước theo con đường XHCN. Từ thực tiễn đổi mới, càng làm sáng tỏ bài học phải lấy dân làm gốc. Đại hội VI đã tổng kết và Đại hội XII này chúng ta cũng đã nhắc lại.
Bài học tiếp theo là luôn luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Và bài học cuối cùng sâu xa nhất, căn cốt nhất là Đảng phải lãnh đạo thế nào, cầm quyền thế nào? Cho nên, bây giờ phải xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, có trí tuệ, có năng lực tổ chức thực tiễn, gắn bó thực sự với nhân dân. Đại hội XII đã đặt ra những vấn đề về xây dựng Đảng, chính trị tư tưởng, tổ chức cán bộ, đạo đức…thì nhất định chúng ta sẽ thành công.
PV: Dân chủ, công khai minh bạch là yếu tố then chốt tạo nên sự đồng thuận gắn kết giữa nhân dân với Đảng và nhà nước. Trong một nhiệm kỳ mới với nhiều yêu cầu, đòi hỏi mới, thách thức mới, nhất là khi chúng ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng, theo ông, chúng ta cần tôn trọng giữ gìn và phát huy nhưng nguyên tắc cơ bản nào trên con đường phát triển của đất nước?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc:Theo tôi, dân chủ phải thực hiện tốt hơn nữa nhưng phải nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân về dân chủ. Tức là dân chủ phải luôn luôn gắn với pháp luật, với tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân. Cần hiểu dân chủ cho đúng như vậy.
Công khai, minh bạch nhưng không phải cái gì cũng công khai được vì có những cái thuộc bí mật quốc gia thì không thể công khai. Nhưng cái gì có thể trao đổi thẳng thắn với dân, thảo luận với dân thì hoàn toàn có thể làm được, đó là sự chủ động của người lãnh đạo, người cầm quyền.
PV: Chúng ta nói nhiều đến sức lan tỏa của không khí đổi mới trong Đảng nhất là trong tình hình mới với những yêu cầu mới. Ông có bình luận như thế nào? Liệu đây có phải là yếu tố then chốt giúp chúng ta ổn định, vững vàng, tự tin và phát triển trong thời kỳ mới hay không, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc:Đổi mới, bản thân nó đã có ý nghĩa cách mạng. Thế nên, khi theo dõi Đại hội XII tôi nhớ lại Đại hội VI - đại hội có tính bước ngoặt trên con đường phát triển đất nước, đề ra đường lối đổi mới. Lần này, Đại hội XII tạo ra những chuyển biến hết sức quan trọng từ đường lối đổi mới của Đại hội VI cho nên những lan tỏa, không khí đổi mới sẽ là động lực cho sự phát triển mới.
Động lực ở đây chúng ta phải chú ý 2 động lực, đó là động lực vật chất và động lực tinh thần. Đấy chính là sự lan tỏa của một sự kiện chính trị lớn của đất nước vừa diễn ra.
PV: Xin cảm ơn ông./.