Nhân Hội nghị cấp cao ASEAN 38-39 và các Hội nghị liên quan diễn ra từ 26-28/10 theo hình thức trực tuyến, Phóng viên Thường trú Đài TNVN tại Indonesia đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Nguyễn Hải Bằng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN về ý nghĩa và những kỳ vọng cho hội nghị quan trọng lần này.
Đại sứ Nguyễn Hải Bằng: Hội nghị cấp cao ASEAN lần này của năm 2021 là năm Chủ tịch của Brunei, diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt với rất nhiều diễn biến mới, phức tạp cả bên trong và bên ngoài khu vực. Trên thế giới và trong khu vực, đại dịch Covid-19 không có dấu hiệu suy giảm, vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các nước ASEAN.
Từ đầu năm, tình hình Myanmar cũng là vấn đề cần giải quyết. Bên ngoài khu vực, diễn ra rất nhiều diễn biến mới về chính trị, ảnh hưởng nhiều đến cục diện quan hệ quốc tế ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ảnh hưởng đến bức tranh địa chính trị khu vực làm nảy sinh nhiều thách thức mà các nước ASEAN cần phải xử lý.
Đại sứ Nguyễn Hải Bằng: Trọng tâm đầu tiên là làm thế nào các nước ASEAN vượt qua đại dịch Covid-19 nhanh nhất và sớm nhất. Vấn đề mấu chốt là vaccine. Các nước ASEAN thống nhất cách tiếp cận chống dịch, sống chung với Covid-19, nâng tỷ lệ tiêm vaccine lên mức cao nhất. Các nước ASEAN tìm tiếng nói chung để thông qua cơ chế vaccine đa phương để người dân tiếp cận nguồn vaccine công bằng và hiệu quả nhất.
Thứ hai, các nhà lãnh đạo ASEAN tìm cách chống dịch Covid-19 nhưng tìm cách phục hồi nền kinh tế sau đại dịch. Ưu tiên đầu tiên của các nước ASEAN trong giai đoạn này là phục hồi du lịch, đi lại giữa nhân dân và doanh nghiệp giữa các nước. Bước đầu thí điểm “hành lang xanh”, “bong bóng du lịch”, tiến tới công nhận các loại vaccine của nhau, từ đó mở cửa du lịch và đi lại.
Thứ ba, đại dịch đem lại nhiều thách thức nhưng cũng là cú hích để các nước ASEAN đẩy mạnh kết nối. Kết nối ASEAN là chủ đề đã được bàn bạc từ lâu, từ kết nối giao thông, kết nối, hài hòa hóa thủ tục xuất nhập cảnh. Trong khi kết nối hạ tầng và thủ tục đòi hỏi nhiều nỗ lực các nước thành viên ASEAN, kết nối số giữa các nước ASEAN cũng là vấn đề cần và có thể làm ngay. Tuy nhiên để làm được điều này phải có hạ tầng số đồng bộ, có chính sách thống nhất trong an ninh mạng và chia sẻ dữ liệu.
Cuối cùng, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ tập trung bàn về việc xây dựng cộng đồng ASEAN lớn mạnh.
Đại sứ Nguyễn Hải Bằng: Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra những định hướng rất lớn cho quá trình chống đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch, tiếp tục các nỗ lực của ASEAN trong việc xây dựng một cộng đồng ASEAN vững mạnh từ nay đến năm 2025 và thậm chí còn vạch ra định hướng, tầm nhìn cho sự phát triển của ASEAN sau năm 2025.
Một ý nghĩa quan trọng khác là các nhà lãnh đạo ASEAN cũng cùng với các nước đối tác bàn thảo các vấn đề quan trọng của khu vực ASEAN, những vấn đề trong nội bộ ASEAN cũng như những vấn đề quan hệ đối ngoại của ASEAN với các đối tác trên toàn thế giới, để làm sao tăng cường được tính thống nhất, đoàn kết trong ASEAN, để ASEAN có tiếng nói chung, thống nhất đối với các vấn đề khu vực và quốc tế, duy trì được vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế.
Trong dịp Hội nghị cấp cao ASEAN này có một loạt cuộc họp cấp cao liên quan giữa lãnh đạo ASEAN với các đối tác quan trọng. Đây là thời gian thử thách với vai trò trung tâm của ASEAN, là dịp để ASEAN thể hiện tiếng nói trong vấn đề khu vực và quốc tế.
Chúng ta có rất nhiều kỳ vọng vào kết quả của Hội nghị cấp cao ASEAN lần này. Chúng ta hy vọng các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ đề ra được các định hướng phát triển cho ASEAN trong những năm tới, đề ra định hướng cho các nước ASEAN trong việc phục hồi lại nền kinh tế sau đại dịch, cho việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ đối ngoại.
Đại sứ Nguyễn Hải Bằng: Những chủ đề, sáng kiến của Việt Nam trong Năm Chủ tịch 2020 là "ASEAN gắn kết, chủ động, thích ứng" đến nay vẫn hoàn toàn mang tính thời sự và thiết thực trong bối cảnh các nước ASEAN cần đoàn kết, thích ứng chống lại đại dịch Covid-19.
Trong năm nay Việt Nam cùng các nước ASEAN tiếp tục thực hiện các sáng kiến được đưa ra trong Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam 2020, trong đó có thu hẹp khoảng cách phát triển ASEAN trong khuôn khổ sáng kiến hội nhập ASEAN. Năm nay, Việt Nam là Chủ tịch nhóm Đặc trách sáng kiến Hội nhập ASEAN và đang xây dựng kế hoạch thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN nhằm nâng cao tính cạnh tranh của ASEAN với thế giới.
Chúng ta đã tiến hành tham vấn với các nước đối tác và các Bộ, ban, ngành của các nước thành viên ASEAN để xây dựng mô hình mẫu thu hẹp khoảng cách phát triển, từ đó kêu gọi các nước đối tác kêu gọi cho các nước ASEAN, đặc biệt các nước trong khối CLMV (Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam). Trong bối cảnh đó, sang tháng 11, Việt Nam sẽ đứng ra đăng cai tổ chức Hội nghị hợp tác tiểu vùng các nước ASEAN. Không chỉ thu hẹp khoảng cách giữa các nước ASEAN với nhau mà còn giữa các tiểu vùng trong ASEAN. Tận dụng nguồn lực từ các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng vốn có nhiều hợp tác với các đối tác bên ngoài.