Với Đề án phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước gắn với mô hình chính quyền đô thị, Đà Nẵng phấn đấu giải quyết công việc hành chính một cách nhanh nhất. Năm 2021, UBND thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch UBND thành phố ủy quyền ít nhất 50 nhiệm vụ của UBND thành phố và 23 nhiệm vụ của Chủ tịch UBND thành phố cho các sở ngành, quận huyện, thủ trưởng các sở ngành và Chủ tịch UBND quận huyện thực hiện. Đà Nẵng cũng sẽ rà soát, điều chỉnh các quy định pháp luật về phân cấp quản lý, phấn đấu giảm 25 đầu việc, thủ tục hành chính tại UBND thành phố. Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng sẽ rút ngắn quy trình, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt là trên các lĩnh vực đầu tư, đất đai, đô thị.

Đầu tháng 11, thành phố Đà Nẵng sẽ ban hành Đề án phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước gắn với mô hình chính quyền đô thị. Đề án này đã lấy ý kiến qua 6 Hội thảo và nhiều Hội nghị của Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến chỉnh sửa. Với đề án này khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, Đà Nẵng phấn đấu giải quyết công việc hành chính một cách nhanh nhất, không để tình trạng hồ sơ đi lòng vòng.

Trước đây, các quận huyện đều có khoản kinh phí phát triển đô thị, kiến thiết thị chính. Vì vậy, khi có sự việc đột xuất như trường học tốc mái, vỉa hè hư hỏng, bóng đèn đường cháy... quận có thể trích ngân sách thực hiện ngay. Khi thực hiện thí điểm mô hình Chính quyền đô thị, hiện nay, cấp quận không còn là một cấp ngân sách, tất cả dự trù ngân sách đều phải theo Luật Ngân sách. Những việc nhỏ phát sinh trong quản lý đô thị nếu xây dựng dự trù kinh phí trình lên Sở Tài chính theo trình tự thì phải mất 6 tháng mới có tiền thực hiện. Vì vậy, lãnh đạo các quận ở thành phố Đà Nẵng đề nghị việc phân cấp quản lý phải đi đôi với phân cấp ngân sách để địa phương chủ động trong thực thi nhiệm vụ được giao và cân đối ngân sách thực hiện.

Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, có một nghịch lý là các dự án đã phân cấp cho quận, huyện nhưng tất cả các hướng dẫn của các Sở đều yêu cầu, trước khi Lãnh đạo quận, huyện phê duyệt phải có ý kiến của các sở chuyên môn. Bởi vậy, khi phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng, hồ sơ phải đi lòng vòng.

"Nhiều dự án đã phân cấp cho quận nhưng thời gian đầu tư lâu, hồ sơ chuyển lên chuyển xuống, chuyển qua, chuyển về hết Viện Quy hoạch đến Sở Xây dựng, hết Sở Xây dựng đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, hết Sở Kế hoạch và Đầu tư qua Văn phòng UBND thành phố mới lên được đến Chủ tịch UBND. Những việc lòng vòng đó rất tốn thời gian. Có những công trình kéo dài 2 năm, 3 năm mới hoàn thành. Do vậy, đề nghị đã phân cấp thì phải có cơ chế chính sách rõ ràng để công việc nhanh hơn, gọn gàng hơn. Đã phân cấp thì phải gọn gàng hơn, nhanh hơn nữa”, ông Nguyễn Hòa nêu ý kiến.

Theo Đề án phân cấp, ủy quyền sắp tới, UBND thành phố quyết định chủ trương đầu tư chương trình dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công thuộc quận, phường quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công. Từ thực tế địa phương, ông Hoàng Sơn Trà, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho rằng, có một số lĩnh vực không nên phân cấp cho quận, huyện. Ví dụ như, việc quản lý đường phố 5,5 mét trở xuống thì không nên giao cho xã phường quản lý mà vẫn do Sở Xây dựng, Sở Giao thông - Vận tải quản lý từng lĩnh vực. UBND quận huyện có cơ chế phối hợp quản lý. Biển quảng cáo thì vẫn do Sở Văn hóa, Thể thao quản lý. Việc quản lý cáp viễn thông thì không nên phân cấp quản lý cho quận, huyện mà vẫn giao cho Sở Thông tin và Truyền thông, bởi đường cáp kéo từ quận này sang quận khác.

Hiện nay, công việc của quận đã rất nhiều. Sắp tới, khi được phân cấp mạnh hơn, công việc ở quận, huyện sẽ nặng nề hơn. Tuy vậy, có những việc chuyên môn khi được phân cấp thì quận, huyện không đủ người để làm việc. Nhiều nhiệm vụ trước đây do sở, ngành quản lý được phân cấp, ủy quyền về cho quận, huyện. Nhưng trong điều kiện tinh giản biên chế, số lượng biên chế tại các sở ngành đã rất thấp nay thành phố không có biên chế để phân bổ thêm cho các quận huyện.

"Thứ nhất, khi phân cấp nhiệm vụ phải phân bổ kinh phí để cho quận huyện có cơ sở thực hiện. Thứ hai, khi phân cấp nhiệm vụ cần bổ sung biên chế. Bởi vì nhiệm vụ từ sở ngành chuyển về quận, huyện mà quận, huyện vốn đã rất nhiều việc, nếu bổ sung thêm việc thì bổ sung thêm biên chế để quận, huyện có cơ sở thực hiện. Thứ ba nữa, trong quá trình phân cấp về, một số nhiệm vụ cần có sự hướng dẫn cụ thể để quận huyện triển khai một cách nhịp nhàng để tránh ách tắc cho người dân", ông Lê Tự Gia Thạnh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu đề nghị.

Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng cho biết, nguyên tắc Đề án phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước gắn với mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2026 là phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan chuyên môn, UBND các quận, huyện trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước theo lĩnh vực và địa bàn. Cụ thể, ở nội dung phân cấp quản lý nhà nước, Đà Nẵng tiếp tục thực hiện các nội dung phân cấp được đánh giá hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, điều chỉnh, bãi bỏ các quy định chưa phù hợp hoặc đã được pháp luật chuyên ngành giao thẩm quyền cụ thể đối với đơn vị được phân cấp.

Đề án đưa ra nguyên tắc phân cấp và nội dung phân cấp trên 5 lĩnh vực trọng tâm gồm: Tổ chức bộ máy - nhân sự, Quản lý đầu tư, Quản lý đô thị, Quản lý tài nguyên - môi trường và Quản lý ngân sách. Theo ông Võ Ngọc Đồng, Đề án này bảo đảm “một việc không quá hai cấp hành chính quản lý”. Việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện.

"Trên cơ sở ban hành Đề án, các sở ngành sẽ tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức triển khai. Có những nội dung thuộc thẩm quyền Hội đồng nhân dân thì trình Hội đồng Nhân dân thông qua, cho ý kiến để tổ chức thực hiện nội dung Đề án", ông Võ Ngọc Đồng nói.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND thành phố hoàn thiện một số nội dung giải pháp về việc tổ chức thực hiện phân cấp ủy quyền. Các giải pháp này nêu rõ ràng, mạch lạc về nội dung bảo đảm nguồn lực con người và tài chính. Trong đó, làm rõ cơ chế tài chính được quản lý, phân cấp thế nào để việc phân bổ tài chính linh hoạt. HĐND thành phố quyết định dự phòng chi ở mức độ phù hợp, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho chính quyền quận huyện, phường xã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị nêu rõ trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn của các sở ngành đối với quận, huyện khi phân cấp; xem xét trách nhiệm của cơ quan được phân cấp, ủy quyền và người đứng đầu.

“Tôi đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo phân cấp những nội dung mới (nếu trong quá trình thực hiện tiếp tục phát sinh) chứ không chỉ bó hẹp trong 5 lĩnh vực và 3 phạm vi như hiện nay. Trong quá trình thực hiện tiếp tục phân cấp trên cơ sở nguyên tắc mà Đề án này đề ra. Đồng thời, qua công tác kiểm tra giám sát nếu thấy việc thực hiện phân cấp ủy quyền đó thực hiện không đúng thì thu hồi lại ngay”, ông Nguyễn Văn Quảng nêu rõ./.