Từ hôm nay (1/7/2021), thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội (khóa XIV) về thí điểm tổ chức mô hình Chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Đây là cơ hội để thành phố chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, vận hành bộ máy chính quyền các cấp phát huy hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát triển thành phố trong giai đoạn mới.

Theo Nghị quyết số 119, ngày 19/6/2020 của Quốc hội, từ ngày 01/7/2021, thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, phường. UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn theo quy định của Nghị quyết và theo phân cấp ủy quyền của UBND và Chủ tịch UBND thành phố. UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn theo quy định của Nghị quyết và theo phân cấp ủy quyền của UBND và Chủ tịch UBND quận.

Ngay từ khi thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, các cấp ủy Đảng ở thành phố Đà Nẵng đã sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ hợp lý khi thực hiện chủ trương này. Đề án nhân sự trình Đại hội được xây dựng chặt chẽ. Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 cũng tăng cường đại biểu chuyên trách.

Tại Kỳ họp thứ nhất, HĐND thành phố khóa mới, các đại biểu đã bầu mỗi Ban của HĐND thành phố 1 Trưởng ban và 2 Phó Trưởng Ban chuyên trách. Ngày 30/6, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng công bố quyết định bổ nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND các quận. Bộ máy chính quyền các quận chính thức đi vào hoạt động từ ngày hôm nay (1/7). Khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, không còn HĐND cấp quận, phường thì nhiệm vụ của các vị đại biểu HĐND thành phố sẽ áp lực hơn nhiều.

Ông Nguyễn Trí Tổng, ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu cho rằng, các vị đại biểu HĐND thành phố Khóa mới phải thể hiện vai trò đại biểu “ba trong một”, đi cơ sở nhiều hơn, áp lực nhiều hơn: “Khó khăn nhất là vấn đề giám sát và phản biện xã hội. Trước đây có HĐND quận, phường thì sẽ giám sát việc thực thi, giám sát quyền lực của người đứng đầu. Bây giờ, không có HĐND phải tăng cường HĐND cấp thành phố, phát huy sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị dưới cơ sở.”

Yêu cầu đặt ra cho các đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ này rất nặng nề và quy chế phối hợp giữa các cơ quan giám sát cần phải được thực hiện chặt chẽ hơn. Về vai trò giám sát hoạt động của cơ quan hành chính ở quận, phường, ông Dương Đình Liễu, Phó Chủ tịch Uỷ Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng cho biết, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Đà Nẵng sẽ phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy ban hành văn bản phù hợp với mô hình chính quyền đô thị.

Theo ông Dương Đình Liễu, vai trò giám sát, phối hợp giám sát giữa HĐND thành phố với Mặt trận được thực hiện thông qua những quy định cụ thể và hữu hiệu hơn: “Theo Nghị định 34 của Chính phủ, UBND phường, quận là cấp hành chính. Hội đồng Nhân dân thành phố là cơ quan quyết định chủ trương, chính sách phù hợp theo Luật Tổ chức chính quyền qui định. Chức năng giám sát của các đoàn thể, chính trị xã hội, trong đó vai trò Ủy ban Mặt trận đặt vào một vị trí cao hơn,  phối hợp với HĐND thành phố triển khai đồng bộ công tác giám sát, phản biện xã hội.” 

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, HĐND thành phố Khóa mới cần tiếp tục đổi mới một cách mạnh mẽ, toàn diện về phương thức hoạt động; nâng cao chất lượng các kỳ họp, bảo đảm quyết định kịp thời các vấn đề lớn, quan trọng, đúng pháp luật.

 "Từ ngày 1/7/2021, bộ máy của HĐND thành phố sẽ hoạt động theo mô hình thí điểm tổ chức chính quyền đô thị. Theo đó, vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND và các Ban HĐND thành phố được tăng cường với nhiều yêu cầu mới và trách nhiệm lớn hơn, nhất là tăng cường giám sát việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở cấp quận, phường. Do đó, HĐND thành phố cần xây dựng quy chế hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới; ban hành các nghị quyết có tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố, lấy người dân là trung tâm trong mọi quyết sách" - ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.

Trước đây, trong giai đoạn 2016-2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã thực hiện phân cấp mạnh mẽ 5 lĩnh vực trọng tâm, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Trong đó, việc phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, quản lý đầu tư công, quản lý đất đai, quản lý đô thị và quản lý ngân sách đã có nhiều bước tiến rõ nét. Khi thực hiện thí điểm Chính quyền đô thị, thành phố tiếp tục phân cấp mạnh mẽ nhiều lĩnh vực trong quản lý hành chính nhà nước./.