Sau khi nghe Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2014 và tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2015 do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13 sáng nay, nhiều cử tri tại Hà Nội bày tỏ đồng tình, cũng như đóng góp một số ý kiến với mong muốn Chính phủ sẽ khắc phục những khó khăn, hạn chế để chỉ đạo, điều hành hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Nhiều cử tri bày tỏ lạc quan trước những điểm sang của nền kinh tế trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015. Trong đó, cử tri rất phấn khởi trước tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng GDP cả nước năm 2014 cao nhất trong 3 năm qua và vượt mục tiêu đề ra. Sự phục hồi của nền kinh tế cho thấy những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thời gian qua đã phát huy hiệu quả.

Cử tri Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Reenco Sông Hồng vui mừng khi 13/14 chỉ tiêu đề ra trong năm 2014 đã đạt được, đồng thời kiến nghị, chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo cần được Chính phủ đặc biệt quan tâm trong thời gian tới, cần có chiến lược để đào tạo đội ngũ tương xứng với sự phát triển những năm tới.

Nhiều cử tri cho rằng, Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế – xã hội thời gian qua. Cử tri Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương bày tỏ quan ngại về những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và tình hình chi tiêu ngân sách vượt quá ngưỡng cho phép, nợ công cũng tăng lên. Ông Doanh mong Quốc hội sẽ thảo luận và chỉ ra những điểm rất gay gắt của nền kinh tế để đưa ra những biện pháp hiệu quả hơn nữa.

Quan tâm đến những hạn chế trong việc triển khai các cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cử tri Lưu Bích Hồ - chuyên gia kinh tế phân tích: năm nay là năm của doanh nghiệp, vì vậy, Chính phủ cần có những giải pháp tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp trong nước.

Theo cử tri Lưu Bích Hồ, vấn đề này cần được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Phải có sự đồng bộ của các ban, ngành, Trung ương và địa phương, của cả doanh nghiệp và đặc biệt vai trò quan trọng hơn cả là của  bộ máy nhà nước, các cơ quan chính quyền, chức năng, cơ quan có liên quan; đồng thời doanh nghiệp cũng phải đồng hành với nhà nước thì mới thực hiện được. Đây là vấn đề cốt lõi trong việc cải cách thể chế, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh trong năm nay và năm tới.../.