Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cử tri và nhân dân phấn khởi trước sự nỗ lực của các ngành, các cấp chung tay xóa đói, giảm nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn băn khoăn về quy định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện nay là thấp, không còn phù hợp với nhu cầu đảm bảo cuộc sống tối thiểu trên thực tế. Đề nghị Chính phủ xem xét, rà soát và điều chỉnh lại chuẩn hộ nghèo sát thực tế hơn; xây dựng chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo phù hợp với thực tế từng vùng, miền, giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Liên quan đến Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, đã đáp ứng được mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện để người lao động được hưởng lương hưu hàng tháng, đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già.
Song do nhu cầu cuộc sống trước mắt mà một bộ phận người lao động có nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần. Do vậy, thời gian vừa qua ở một số địa phương có tình trạng một bộ phận người lao động ngừng việc tập thể để phản đối quy định về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần theo Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014.
“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nghiên cứu, xem xét để có các giải pháp đáp ứng các nguyện vọng, nhu cầu đa dạng trong việc lựa chọn hình thức trợ cấp bảo hiểm xã hội, phù hợp với quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và điều kiện thực tế”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Cũng theo Chủ tịch Ủy ban TWMTTQVN Nguyễn Thiện Nhân, cử tri và nhân dân lo lắng về tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, hạn hán xảy ra ở nhiều nơi, nhất là ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, gây nên tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Tình trạng nông dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp (gạo, dưa hấu, hành tây, vú sữa, hành tím, thanh long, vải thiều, cá tra), tình trạng “được mùa, mất giá” và ùn ứ hàng hóa trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp diễn ra ở nhiều nơi, do hiện nay nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu là sản xuất hộ cá thể, việc sản xuất còn theo phong trào, chưa gắn với quy hoạch sản xuất vùng và định hướng xuất khẩu theo nhu cầu và tính chất của thị trường.
Trước tình hình trên, các ý kiến đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng có giải pháp hữu hiệu trong việc thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các hộ nông dân liên kết thành lập các hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 để thực hiện được chức năng nghiên cứu, dự báo thị trường, quy hoạch sản xuất, cung cấp đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các hộ thành viên; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và liên kết theo chuỗi giá trị, từ đó nâng cao năng suất lao động nông nghiệp và thu nhập cho nông dân.
Ngoài ra, người dân phấn khởi về một số chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định của Chính phủ để đóng tàu lớn vươn khơi đánh bắt hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ hỗ trợ ngư dân đóng mới và nâng cấp tàu còn rất chậm./.