Sáng nay (20/5), kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc. Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015.

quoc_hoi_trong_exfd.jpgPhó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo tại phiên khai mạc (Ảnh: Giang Huy)
Tiếp đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015.

Sau phiên khai mạc buổi sáng, chiều nay, Chính phủ trình bày với Quốc hội xin phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2013, trình dự án Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi.

Dự kiến, kỳ họp thứ 9 sẽ diễn ra từ nay đến ngày 26/6. Trọng tâm kỳ họp này là công tác lập pháp với việc thông qua 11 dự án luật và 1 nghị quyết, cho ý kiến đối với 15 dự án luật như Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi, Luật tổ chức Chính quyền địa phương, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND…

Một số luật Quốc hội sẽ cho ý kiến như Bộ Luật Dân sự sửa đổi, Bộ luật hình sự sửa đổi, Luật trưng cầu ý dân, Luật tạm giữ, tạm giam…

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ nghe Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo về điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật…

Liên quan tới Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Chính phủ chưa có văn bản chính thức đề nghị sửa đổi luật. Chính vì thế, việc có sửa đổi Điều 60 hay không sẽ phụ thuộc vào việc sau khi Quốc hội cho ý kiến.

Về chủ trương xây dựng Cảng Hàng không Long Thành (Đồng Nai), theo ông Phúc, từ Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 4 khóa XI, Trung ương đã có chủ trương xây dựng cảng và tiếp tục xem xét rất thận trọng.

“Vấn đề là phải bàn thêm để xem xét hiệu quả về đầu tư, đất đai, máy bay trung chuyển, xem xét diện tích đất… làm sao dể có hiệu quả cao nhất về kinh tế. Đây cũng là điều mà Trung ương mong muốn Quốc cho ý kiến bàn bạc lần này” – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.

Liên quan đến việc Quốc hội sẽ xem xét bãi miễn tư cách đại biểu của bà Châu Thị Thu Nga, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, đây là trường hợp rất đáng tiếc bởi Quốc hội đang mong muốn tăng số lượng đại biểu nữ.

Quốc hội kỳ họp này sẽ xem xét việc bãi miễn tư cách Đại biểu này theo đúng quy trình và  quy định của pháp luật./.