Hôm nay (27/12), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có chuyến công tác tại tỉnh Khánh Hòa để tìm hiểu đời sống, tình hình sản xuất của bà con ngư dân cũng như việc đầu tư, hỗ trợ cho nghề cá theo nghị định 67 CP về một số chính sách mới phát triển thủy sản. Chủ tịch nước đề nghị tháo gỡ vướng mắc để chính sách thực sự đi vào cuộc sống góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và đời sống cho bà con.  

ctn_tham_cho_ca_hon_ro_yzmu.jpgChủ tịch nước Trương Tấn Sang kiểm tra dịch vụ hậu cần nghề cá cảng Hòn Rớ và chợ cá Nam Trung Bộ

Tại Khánh Hòa, Chủ tịch nước đã đến làng cá Hòn Rớ thuộc xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tại đây Chủ tịch nước đã đến thăm gia đình ông Trần Văn Phát, một chủ tàu có ba đời theo nghề cá. Chủ tịch nước đã nghe và trao đổi với bà con về tình hình đánh bắt cá xa bờ, về đời sống của ngư dân và những thuận lợi khó khăn hiện nay, nhất là trong triển khai các chủ trương hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu cá. Hoan nghênh bà con đã chủ động trong việc vay vốn đóng tàu công suất lớn, đồng thời thành lập các tổ hợp tác để hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi hoạt động trên biển, Chủ tịch nước cho rằng để nghề đi biển có hiệu quả cần có sự đoàn kết, phối hợp hỗ trợ lẫn nhau chặt chẽ trên đất liền cũng như trên biển.

Báo cáo với Chủ tịch nước về việc cho vay đóng tàu theo nghị định 67, ngư dân Trần Văn Phát cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho rằng một số chính sách mới phát triển thủy sản ra đời đã tạo ra không khí phấn khởi đối với ngư dân, tuy nhiên những lợi ích có thể sờ nắm được đến tay ngư dân vẫn còn ở diện hẹp, số đối tượng được vay vốn còn ít, nhất là đối tượng đã vay thương mại để đóng tàu nay khó khăn trong việc chuyển đổi vay theo Nghị định 67.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm gia đình ngư dân Trần Văn Phát có truyền thông đánh bắt xa bờ

Tiếp đó Chủ tịch nước đã trực tiếp đến quan sát tàu cá tại cảng và chợ cá Hòn Rớ. Đây là chợ cá lớn nhất Nam Trung Bộ, cảng cá tại đây sẽ được nâng cấp mở rộng, như lắp đặt mái che, nâng cấp nền cầu cảng và nền chợ, lắp đặt các hệ thống cung cấp nước ngọt, xử lý nước thải. Sau khi nâng cấp, cảng có thể nâng gấp đôi công suất tiếp nhận tàu, tạo thuận lợi cho tàu giải phóng sản phẩm nhanh, đồng thời đây cũng sẽ là điểm đấu giá cá ngừ đại dương và là 1 trong 5 trung tâm nghề cá trọng điểm của cả nước.

Theo lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, để trở thành trung tâm nghề cá, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, hiện tỉnh đã tập huấn chính sách, kỹ thuật cho hơn 1.200 chủ tàu cá, thuyền trưởng tàu có công suất máy từ 90 CV trở lên, tập trung vào các nghề: câu cá ngừ đại dương, lưới rê, chụp mực và vây rút khai thác cá ngừ sọc dưa. Đẩy mạnh chương trình hỗ trợ đóng tàu mới cho ngư dân, nhất là đóng tàu theo công nghệ vât liệu mới mà Viện Nghiên cứu Chế tạo tàu thủy, trường Đại học Nha Trang đang đóng cho một số ngư dân.

Sau khi lắng nghe báo cáo của các bộ ngành và ngư dân về hiệu quả của việc đóng mới tàu cá bằng vật liệu mới, Chủ tịch nước đã đến thăm xưởng đóng tàu của Viện Nghiên cứu Chế tạo tàu thủy, trường Đại học Nha Trang.

Báo cáo với Chủ tịch nước, ông Nguyễn Văn Đạt, Viện trưởng cho biết Viện Nghiên cứu Chế tạo tàu thủy là nơi đóng mới các mẫu tàu vỏ composit khai thác cá ngừ theo công nghệ Nhật bản. Đóng các tàu có công suất 350 CV, hoạt động an toàn trong điều kiện gió cấp 8, tiết kiệm nhiên liệu hơn 30% so với tàu gỗ, chi phí bảo dưỡng thấp. Ông Nguyễn Văn Đạt khẳng định, đóng tàu theo công nghệ vật liệu mới có thể là một hướng đi hiệu quả cho bà con ngư dân.

Chủ tịch nước tới thăm Viện Nghiên cứu Chế tạo tàu thủy, trường Đại học Nha Trang

Đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ mới vào đóng tàu mang lại hiệu quả cho ngư dân, Chủ tịch nước đề nghị để ngư dân có vốn đóng tàu mới, đặc biệt là vay vốn theo Nghị định 67 cần lựa chọn các doanh nghiệp, các chủ tàu làm ăn có hiệu quả, có điều kiện về tài chính và phương án sản xuất mang tính khả thi cao, tránh trường hợp đóng tàu xong khai thác không hiệu quả, phải nằm bờ; đồng thời nghiên cứu kỹ trữ lượng, ngư trường, năng lực đánh bắt, không thể tăng vô hạn và ồ ạt đối với số tàu đánh bắt xa bờ, mà cần lựa chọn các nghề phù hợp, đồng thời kết hợp nâng cấp, cải hoán số tàu hiện có. Việc triển khai chính sách căn cứ vào thực tiễn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho bà con ngư dân sẽ đưa chính sách thực sự đi vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả kinh tế góp phân nâng cao đời sống cho bà con ngư dân và sự phát triển của kinh tế đất nước./.