Sau hơn 4 tháng từ khi Nghị định 67 của Chính phủ về “Một số chính sách phát triển thủy sản” có hiệu lực, đến nay nhiều ngư dân vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay để đóng tàu vỏ thép.

Hàng nghìn tỷ đồng dành cho chương trình này còn nằm ở ngân hàng, trong khi ngư dân mong sớm vay được vốn để đóng tàu cho kịp vươn khơi trong mùa biển mới. Vì sao vốn lại chậm giải ngân?

1q1_mdwd.jpg
Tỉnh Quảng Ngãi mới có một công ty được ký hợp đồng vay vốn NĐ 67.
Tại cuộc họp bàn về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay đóng tàu vỏ thép do UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức mới đây, đại diện ngư dân, các cơ sở đóng tàu, đơn vị tư vấn thiết kế, ngân hàng cùng các cơ quan chức năng tranh luận khá gay gắt.

17/40 hộ ngư dân trong danh sách đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi được phê duyệt vay vốn đã thẳng thắn nêu lên những khó khăn, vướng mắc khi tiếp cận nguồn vốn vay. Đa số ngư dân cho rằng, 21 mẫu tàu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chỉ là mẫu tham khảo chứ chưa hoàn toàn phù hợp với ngành nghề và ngư trường đánh bắt của ngư dân miền Trung.

Ngư dân Lê Tới, ở xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ cho rằng: “Mình chỉ thấy được mẫu thôi chứ còn thực tế như thế nào, chưa trực tiếp đến công ty đóng tàu. Mẫu là chung, riêng mỗi người có lựa chọn khác nhau, mà họ quyết định đóng tàu nhỏ, tàu to, cho nên rất khó”.

Ngư dân Võ Văn Hân ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho rằng, qua tham khảo các mẫu tàu, ngư dân còn muốn bổ sung thêm vào thiết kế để giảm giá thành, phù hợp với nhu cầu và tiện dụng hơn.

Ngư dân chờ vốn để cải hoán, nâng cấp tàu cho kịp vụ đánh bắt
Tại tỉnh Quảng Ngãi từ khi Nghị định 67 có hiệu lực, Tổ tư vấn, Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại đã vào cuộc triển khai thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên đến nay, cả tỉnh cũng chỉ có duy nhất một hợp đồng tín dụng được ký kết. Đó là Công ty Cổ phần Thủy sản Lý Sơn được vay hơn 20 tỷ đồng đóng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.

Ông Lê Hồng, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết: tiền đã có nhưng ngân hàng còn phải chờ các thiết kế mẫu tàu được phê duyệt.

Trước những băn khoăn của ngư dân, ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, tất cả phải tuân thủ đúng trình tự thủ tục từ khâu phê duyệt mẫu tàu, đến công ty tư vấn lập thiết kế, dự toán, sau đó chủ tàu lựa chọn công ty đóng tàu rồi ngân hàng mới ký hợp đồng tín dụng cho vay vốn.

Ông Phạm Trường Thọ nói: “Tôi đề nghị đơn vị tư vấn và nhà máy chịu trách nhiệm phối hợp trình các mẫu thiết kế cho cơ quan thẩm quyền phê duyệt chứ không để cho bà con ngư dân tự đi. Các ngân hàng thương mại tiếp cận với ngư dân, tiếp cận với cơ sở đóng tàu để kiểm tra các thủ tục liên quan để thỏa thuận việc giải ngân trong thời gian sớm nhất”.

Ngân hàng chờ mẫu thiết kế tàu, còn ngư dân thì lại chờ ngân hàng. Cái vòng lẩn quẩn này khiến đồng vốn từ Nghị định 67 đang bị “nghẽn mạch”./.