Từ năm 1925, trong các bài giảng về “Đường cách mệnh” cho lớp cán bộ Việt Nam, thanh niên cách mạng ở Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ bài học, ý nghĩa nên nhớ của các cuộc cách mạng lớn trên thế giới là: Phải “cách mệnh đến nơi”, nghĩa là cách mạng rồi thì chính quyền phải giao cho dân chúng số nhiều. Thế mới khỏi hy sinh làm cách mạng nhiều lần. Thế dân chúng mới được hưởng tự do, hạnh phúc, bình đẳng thật sự.

cuon_sach_duong_kach_menh_tr_ezwg.jpg
“Đường Kách Mệnh” là tác phẩm tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925 - 1927. Cuốn sách được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp lại và xuất bản thành sách năm 1927. Cuốn sách “Đường Kách Mệnh” - Bảo vật quốc gia, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. (Ảnh: TTXVN)
Đến bản di chúc lịch sử, phần nói về công việc xây dựng đất nước sau ngày chiến thắng, Bác căn dặn: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt hơn. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

Ôn lại lời căn dặn đầu tiên và cuối cùng của Bác, chúng ta thấy rằng: Tư tưởng làm cách mạng vì lợi ích của nhân dân là thống nhất và xuyên suốt lịch sử cách mạng Việt Nam. Đó là tầm nhìn xa, trông rộng soi sáng con đường cách mạng triệt để và tất yếu mà Bác và Đảng ta đã lựa chọn.

“Cách mệnh đến nơi” thực chất là cuộc cách mạng vì tự do và hạnh phúc của con người. Cho nên muốn cách mạng thành công thì trước hết phải có con người cách mạng mẫu mực.

Năm 1945, sau 15 năm chuẩn bị, do phát động được sức mạnh đoàn kết dân tộc, tận dụng thời cơ, Đảng ta chỉ với 5.000 đảng viên đã lãnh đạo toàn dân làm cách mạng tháng Tám thành công, lập ra nhà nước dân chủ cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, những tư tưởng cao cả về quyền con người, quyền của nhân dân và quyền độc lập, tự do của các dân tộc được đặt lên hàng đầu.

Trong thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng tháng 10/1945, Bác đã nói rõ: “Nhưng nếu được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Cuộc bầu cử Quốc hội ngày 6/1/1946, lần đầu tiên trong lịch sử, hơn 90% cử tri cả nước đã đi bỏ phiếu, thực hiện quyền công dân. Điều 1 Hiến pháp năm 1946 khẳng định: Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.

Trong những năm kháng chiến, Bác thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân. Ngày 20/2/1947, Bác đến thăm tỉnh Thanh Hóa, Người khẳng định: “Chính phủ Cộng hòa dân chủ là gì? Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”.

Cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” của Bác năm 1948 thật sự là cuộc sửa đổi cách mạng, dạy làm người, làm cán bộ, là sách gối đầu giường của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Cuối tháng 5/1949, từ núi rừng Việt Bắc, Bác công bố 4 bài báo: Thế nào là cần, kiệm, liêm, chính? Người coi đây là nền tảng của đời sống mới và thi đua ái quốc.

Đúng vào ngày Quốc khánh năm 1950 và 1951, Bác công bố 2 bài báo phải tẩy sạch bệnh quan liêu. Năm 1952, Bác lại công bố 2 bài báo nữa về chống quan liêu, tham ô, lãng phí. Theo Bác: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan lieu là kẻ thù của nhân dân”. Muốn chống thì phải thực hành dân chủ, phải động viên quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công. “Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng”. Thật hiếm có vị lãnh tụ nào đã nói cụ thể và sâu sắc về chống “giặc nội xâm” như thế.

Tại trường Đại học Nhân dân Việt Nam ngày 8/12/1956, từ câu chuyện đơn giản là “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, Bác dẫn tới lời nói rất đặc sắc về nhân dân. “Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Thiện nghĩa là tốt đẹp, vẻ vang. Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”.

Từ 1955-1965, không quản tuổi cao, công việc bộn bề, Bác đã thực hiện hơn 700 lượt đi thăm các địa phương, cơ sở. Cuộc cách mạng vì dân, sâu sắc và triệt để luôn thể hiện trong từng việc làm, lời nói của Người: Hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột nghèo nàn thì Đảng còn đau thương vì coi đó là mình chưa hoàn thành nhiệm vụ. Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi. Thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn. Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Đảng vĩ đại và nhân dân anh hùng đã lập nên những kỳ tích của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, chưa bao giờ nhân dân Việt Nam đã được cả loài người tiến bộ ủng hộ giúp đỡ to lớn và cảm động đến thế.

Nhìn lại hơn 30 năm đổi mới (1986-2016), với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, các nguy cơ vẫn tồn tại, diễn biến phức tạp. Tình trạng suy thoái, tệ quan lieu tham nhũng lãng phí và sự tụt hậu xa hơn về kinh tế đang là nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Công cuộc đổi mới hiện nay mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng to lớn, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, đồng bộ và triệt để, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó thật sự là “cuộc chiến đấu khổng lồ”, chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra cái mới mẻ tốt tươi.

Hội nghị Trung ương 4 khóa XII
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và bốn hệ thống giải pháp. Đảng ta đang tập trung xây dựng và chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, đảng viên với tinh thần kiên quyết và triệt để, nhất là vấn đề giám sát, kiểm soát quyền lực.

Chúng ta đang xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ và hành động, để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, phát huy mọi tiềm năng thế mạnh, nguồn lực sáng tạo của nhân dân để đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Chúng ta đang chứng kiến cuộc chiến đấu chống “giặc nội xâm” diễn ra không ồn ào nhưng rất sâu sắc và quyết liệt, trong mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi đơn vị, mỗi địa phương, trong tất cả mọi lĩnh vực rộng lớn đời sống xã hội. Từ việc lớn đến việc nhỏ đều phải suy nghĩ kỹ và dân chủ, công khai, minh bạch.

Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự soi mình để sửa đổi và càng phải gần gũi gắn bó với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và làm tốt hơn nữa lời căn dặn của Bác: Từ việc làm, lời nói đến cách ăn ở thế nào để được dân tin, dân phục, dân yêu.

Con đường “cách mệnh đến nơi” triệt để mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra cách đây gần 100 năm đã phát triển và sáng tạo không ngừng; đã trải qua những “cuộc chiến đấu khổng lồ” vẫn đang được thực hiện, chắc chắn sẽ tạo động lực mới, niềm tin mới để xây dựng Tổ quốc Việt Nam thân yêu ngày càng hùng cường, nhân dân giàu có và hạnh phúc./.