Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương về khoảng trống trong công tác kiểm tra, giám sát Đảng ở các cấp cơ sở.

nguyen_duc_ha_xqbo.jpg
Ông Nguyễn Đức Hà.
PV: Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong năm qua, cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật gần 150 tổ chức Đảng và hơn 12.000 đảng viên. Trong những tháng đầu năm nay, Ủy ban cũng đã ra các kết luận, đề nghị kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao, cả đương chức lẫn về hưu. Những con số này nói lên điều gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hà: Từ khi toàn Đảng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, việc thông qua kiểm điểm phê bình và tự phê bình, xem xét ở tất cả các cấp thì các cấp ủy và tổ chức Đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp cũng đã xử lý kỷ luật với một con số rất lớn mà năm sau cao hơn năm trước. Điều đó cho thấy công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng có chuyển biến tích cực.

PV: Kết quả này cho thấy quyết tâm của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, xóa tan mối nghi ngại có “vùng cấm” trong xử lý kỷ luật Đảng. Nhưng các vụ việc chỉ được phát hiện khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc cũng có cho thấy có tình trạng trông chờ, nghe ngóng, trên quyết liệt nhưng dưới lại đủng đỉnh ở một số cấp ủy. Ông có đồng tình với nhận định này?

Ông Nguyễn Đức Hà: Dư luận đánh giá như vậy là đúng. Một số vụ kỷ luật lớn mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thậm chí, Ban Bí thư Trung ương vừa qua xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên cho thấy những vi phạm này đã xảy ra từ mấy năm trước chứ không phải hiện nay. Số cán bộ, đảng viên bị kỷ luật phần lớn đã nghỉ hưu. Điều đó cho thấy công tác kiểm tra, giám sát của Đảng tuy có làm nhưng hiệu quả thấp, chất lượng còn rất hạn chế.

Nếu khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI mà làm nghiêm túc đối với những trường hợp này thì có lẽ lúc họ còn đương chức chúng ta sẽ phát hiện ra và có hình thức xử lý lúc đó. Tôi cho rằng, nhận định “trên quyết liệt nhưng dưới đủng đỉnh” là đúng.

PV: Ông có cho rằng, ở một số địa phương, tổ chức, người đứng đầu tự coi mình là ông vua con, xem nhẹ ý kiến tập thể và sẵn sàng trù dập cấp dưới khi có ý kiến trái chiều hay không?

Ông Nguyễn Đức Hà: Trong thực tế không phải là tất cả, nhưng ở một số cơ quan, đơn vị, thậm chí địa phương, người đứng đầu có biểu hiện độc đoán, gia trưởng hoặc dựa vào tập thể nhưng tập thể ở đây chỉ là hình thức; dân chủ tập thể chỉ để thực hiện ý kiến, ý chí của người đứng đầu. Vì vậy, làm thế nào để xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu. Vấn đề này hiện nay đã có nhưng chưa được hoàn chỉnh và tới đây chúng ta cần phải làm tiếp.

PV: Như ông phân tích, thực tế này dù không phổ biến nhưng gây hại ra sao cho Đảng, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hà: Tác hại lớn nhất là làm cho dân chủ bị hình thức. Khi người đứng đầu không thể hiện một cách khách quan, công tâm thì tác hại lớn nhất là làm triệt tiêu động lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ. Ví dụ anh bố trí cán bộ không đúng, thì làm cho những người cán bộ có tâm huyết, phẩm chất, năng lực sẽ giảm sút động lực cũng như ý chí phấn đấu; làm cho công tác cán bộ không theo đúng định hướng của Đảng.

PV: Ngoài vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phê bình, kiểm tra, giám sát đảng viên, ông nhận thấy những khoảng trống nào khác khi để đơn vị xảy ra sai phạm kéo dài vẫn không bị phát hiện và xử lý kịp thời, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hà: Điểm yếu nhất là tư tưởng nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Làm thế nào khắc phục được điểm yếu này thì tổ chức Đảng mới mạnh lên được và tổ chức Đảng mới chính thức đấu tranh ngay trong nội bộ mình.

PV: Theo ông, để công tác kiểm tra, giám sát, lấy phòng ngừa làm trọng, lấy xây là chính, yêu cầu quan trọng nhất đặt ra là gì?

Ông Nguyễn Đức Hà: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ, giải pháp lớn, đó chính là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, trong đó có giải pháp kiểm soát việc thực thi quyền lực của người đứng đầu, để làm thế nào khắc phục được tình trạng lạm quyền, lộng quyền, vượt quyền. Và lần này cần phải xác định làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc.

Thứ hai, chúng ta phải tập trung đấu tranh chống những biểu hiện suy thoái, chính là nể nang, né tránh, ngại va chạm, tư tưởng “dĩ hòa vi quý”… những biểu hiện trong Đảng hiện nay còn rất phổ biến, nghiêm trọng. Chúng ta phải khắc phục được những tư tưởng này để mỗi cán bộ, đảng viên thấy được trách nhiệm của mình, Ủy ban Kiểm tra các cấp cũng làm hết trách nhiệm của mình.

PV: Ông có cho rằng, để Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc phát hiện sai phạm thì Ủy ban Kiểm tra các cấp dưới cũng phải bị xử lý hay không, để tránh việc gì cũng trông chờ, dồn hết cho cấp trên thì khi đó hậu quả đã rất lớn, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hà: Những vấn đề tồn tại trước đây đến bây giờ mới được xem xét, kết luận thì rõ ràng cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra cấp đó chưa hết trách nhiệm, để công việc tồn đọng. Khi một vấn đề mới nảy sinh, manh nha nếu được kiểm tra, giám sát, sau đó giúp đỡ, nhắc nhở anh em cán bộ thì không để đến bây giờ tình trạng trở nên nặng như vậy.

PV: Để công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt được những kết quả như mong đợi, để Đảng ta trong sạch, vững mạnh, văn minh và loại bỏ những “con sâu” ra khỏi tổ chức Đảng, theo ông cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Hà: Trong tình hình Đảng hiện nay, chúng ta phải đặc biệt nhấn mạnh việc chống, tức là đề cao kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phải kết hợp xây và chống nhưng xây là cơ bản chiến lược lâu dài, còn chống là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách trước mắt. Tập trung đề cao kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm kỷ luật của Đảng phải xử lý theo kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước phải xử lý theo pháp luật của Nhà nước.

PV: Xin cảm ơn ông./.