Tại cuộc họp, dựa trên các báo cáo được cung cấp, các quan chức cấp cao của GMS đã rà soát lại lần cuối những chủ đề và vấn đề có liên quan dự kiến được thảo luận trong cuộc họp kín của các nhà lãnh đạo GMS cũng như tiến trình của các cuộc họp, thông điệp, trọng tâm và các vấn đề quan trọng có thể được các nhà lãnh đạo đề cập.

som2_vov_ykef.jpg
Các quan chức cấp cao họp chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh GMS.

Cuộc họp xem xét và cập nhật lần cuối những nội dung do ban thư ký của GMS chuẩn bị, bao gồm Kế hoạch hành động Hà Nội 2018-2022 và Khuôn khổ đầu tư khu vực (RIF) 2022 cũng như một số lĩnh vực cụ thể; rà soát lại chương trình nội dung và các ưu tiên, đề xuất liên quan đến Phiên toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh GMS6 và phiên họp hội đồng kinh doanh GMS.

Với tư cách là chủ nhà của hội nghị, đại diện của Việt Nam đã trình bày về công tác hậu cần, nghi thức, phương án di chuyển và các vấn đề khác có liên quan cho ngày thứ hai và thứ ba – hai ngày họp chính của GMS6 với nhiều phiên thảo luận quan trọng.

Từ ngày 29-31/3, Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) lần thứ 10 tại Hà Nội.

Chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng được khởi xướng năm 1992 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Các nước thành viên gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc (với 2 tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây).

Cho tới nay, GMS đã tổ chức được 22 hội nghị Bộ trưởng và 5 hội nghị thượng đỉnh. Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng với mục tiêu dài hạn là thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc), đưa tiểu vùng Mekong mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á./.