Ngày 30/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tổ chức phiên họp thứ 18, thảo luận cho ý kiến về: Báo cáo một số nội dung cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự; Báo cáo những nội dung cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự; Đề án tạm tha có điều kiện trong thi hành án phạt tù. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với các nội dung trong Báo cáo một số nội dung cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự; Báo cáo một số nội dung cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự; Đề án tạm tha có điều kiện trong thi hành án phạt tù.

ctn_2_jpes.jpg

Về Đề án “Giảm quy định hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình”, các ý kiến cho rằng mục tiêu, quan điểm của Đề án là phù hợp với chủ trương được nêu tại Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị. Các đề xuất trong đề án được nghiên cứu nghiêm túc, công phu, có cơ sở khoa học và thực tiễn, phù hợp với chủ trương đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, đảm bảo nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự; đề cao quyền con người, trong đó có quyền sống được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm; phù hợp với xu hướng chung của thế giới về quy định và áp dụng hình phạt tử hình và phù hợp với truyền thống nhân văn của dân tộc.

Liên quan đến những nội dung cơ bản đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự, các thành viên Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương đã cho ý kiến cụ thể về: Quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không phải đưa ra chứng cứ bất lợi cho mình; quyền của bị can đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án; quyền yêu cầu giám định của bị can, bị cáo, người bào chữa; việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa...

Góp ý về Đề án “Thực hiện cơ chế tạm tha có điều kiện trong thi hành án phạt tù”, các thành viên Ban chỉ đạo cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng Đề án nhằm thể hiện chính sách hình sự nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước, truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng Đề án đã thể chế hóa chủ trương nêu trong Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị. Qua đó, góp phần khắc phục tình trạng trại giam liên tục quá tải, không đủ diện tích sàn bình quân cho phạm nhân, thiếu các điều kiện phục vụ việc tổ chức học tập, hướng nghiệp, dạy nghề...cho phạm nhân.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị chuẩn bị đề án và tờ trình; nhấn mạnh, các tờ trình đã được chuẩn bị công phu, thể hiện theo hướng mở. Những Đề án này đáp ứng được lộ trình xây dựng hệ thống pháp luật sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực. Qua đó, đáp ứng được yêu cầu và quy định Quốc hội đề ra, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lưu ý, những Đề án này khi được thực thi phải đáp ứng được nguyên tắc đó là công lý, công bằng, bảo vệ được quyền lợi và lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Thông qua các đạo luật phải thể hiện được rõ tính chất hội nhập. Muốn vậy, khi xây dựng luật cần tham khảo những tiến bộ của quốc tế. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh những Đề án được trình hôm nay mặc dù được chuẩn bị chu đáo, nhưng qua thảo luận vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ hơn.

“Tôi đề nghị phải thực hiện theo cơ chế mở, đó là những vấn đề nêu ra có thể có hai phương án. Phương án 1 kèm theo đó là vấn đề lý giải như thế nào; phương án 2 kèm theo đó là lý giải như thế nào để còn lắng nghe; mà phải lắng nghe rất nhiều chiều, nhiều đối tượng trong suốt quá trình từ khi trình các cơ quan có thẩm quyền đến cuối cùng là trình ra Quốc hội. Nếu chúng ta chuẩn bị chu đáo thì tuổi thọ của Luật lâu dài và uy tín của Đảng và cơ quan lập pháp mới tốt", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, những Đề án được trình hôm nay là để hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Qua đó quyền công dân, quyền con người phải được đảm bảo. Từ đó thể hiện hệ thống pháp luật của Việt Nam là luôn bảo vệ quyền con người, quyền công dân../.