“Hiến pháp có được tổ chức thực hiện tốt hay không, nền pháp chế XHCN của chúng ta có thực sự bám sát thực tiễn, thể hiện trong thực tiễn hay không, đất nước nhờ vậy có tiếp tục được đổi mới, phát triển hay không trông chờ rất nhiều, rất quan trọng vào đội ngũ làm công tác pháp chế của đất nước”. Đó là phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2015 do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 15/1 tại Hà Nội. Cùng dự hội nghị có lãnh đạo Chính phủ, một số các cơ quan Trung ương, địa phương và nối cầu với Sở Tư pháp 63 tỉnh thành.  

tu_phap_2_mgfz.jpg
Hội nghị Tổng kết ngành Tư pháp (Ảnh: Ngọc Thạch)
Năm 2014, công tác tư pháp đã bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội do Quốc hội, Chính phủ đề ra. Bộ Tư pháp đã cùng các bộ, ngành rà soát trên 100.000 văn bản quy phạm pháp luật, bước đầu kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và ban hành mới 282 văn bản, đồng thời chủ trì xây dựng trên 1.000 văn bản, kiểm tra phát hiện 1.544 văn bản có dấu hiệu vi phạm thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản.

Công tác kiểm soát thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; việc phổ biến giáo dục pháp luật được tăng cường; công tác xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư háp được quan tâm và đẩy mạnh.

Ngành tư pháp cũng đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại như: triển khai thi hành Hiến pháp còn thiếu đồng bộ, tình trạng nợ đọng văn bản có giảm nhưng việc bảo đảm văn bản chi tiết có hiệu lực cùng với luật còn thách thức; hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật chưa cao, chậm đi vào cuộc sống....

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Tư pháp. Cơ bản nhất trí với đánh giá được nêu trong Báo cáo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị toàn ngành tư pháp tiếp tục khắc phục hạn chế, yếu kém và đề ra giải pháp kịp thời khắc phục.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Hội nghị ngành Tư pháp (Ảnh: Ngọc Thạch)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị: "Ngành Tư pháp cần tiếp tục thực hiện tốt vai trò đầu mối trong việc triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó lưu ý đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp; đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong đời sống xã hội; tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản cho phù hợp với Hiến pháp. Huy động trí tuệ của toàn Ngành góp phần nâng cao chất lượng hoàn thiện thể chế, tham gia sâu và hiệu quả vào việc hoàn thiện các dự án luật trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, nhất là Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương, Bộ luật hình sự (sửa đổi); tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Các Ủy ban của Quốc hội, nhất là Ủy ban pháp luật cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ này”.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu ngành tư pháp tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc xây dựng, ban hành văn bản; Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản pháp luật, xứng đáng là “người gác cổng” trong công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ; Tích cực chuẩn bị các điều kiện bảo đảm thi hành kịp thời, hiệu quả các luật được Quốc hội thông qua, đặc biệt là các luật liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Ngành tư pháp tiếp tục nỗ lực xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, từng bước hiện đại.   

Năm 2015 và những năm tiếp theo, đất nước đứng trước những cơ hội, thách thức và vận hội mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng  tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm, chăm lo của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, nhất trí của toàn thể cán bộ ngành Tư pháp, công tác tư pháp sẽ có bước phát triển mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020./.