Sáng 17/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức trọng thể 60 năm ngày truyền thống. Đến dự có ông Trương Tấn Sang- Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cùng đông đảo các đại biểu trong nước và quốc tế, các cán bộ lão thành trong công tác đối ngoại nhân dân, các tổ chức thành viên các thời kỳ.

Ngày 17/11/1950, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đại hội thành lập Uỷ ban Bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam. Hai ngày sau, ngày 19/11/1950 Đại hội thành lập Uỷ ban bảo vệ hoà bình thế giới Việt Nam, nay gọi là Uỷ ban hoà bình Việt Nam- được tổ chức trọng thể tại thôn Đồng Khoa, xã Điệm Mặc, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Ngày Bác Hồ gửi bức thư cho Đại hội thành lập một trong những tổ chức thành viên quan trọng của Liên hiệp 17/11/1950 đã trở thành Ngày truyền thống của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đánh dấu sự ra đời, phát triển của đơn vị chuyên trách làm công tác đối ngoại nhân dân.

Nhìn lại chặng đường 60 năm qua, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã đạt nhiều thành công, đó là mở rộng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại, đổi mới, nâng cao hoạt động, tăng cường công tác phi chính phủ nước ngoài; làm tốt công tác chính trị đối ngoại, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trương Tấn Sang đánh giá cao vai trò của công tác đối ngoại nhân dân trong 60 năm qua. Ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh, công tác đối ngoại nhân dân đã trở thành một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong công tác đối ngoại chung của Việt Nam, góp phần tạo nên mặt trận nhân dân thế giới, ủng hộ và cất cánh cùng nhân dân Việt Nam, giúp Việt Nam giành được thắng lợi cuối cùng: độc lập dân tộc vào năm 1975.

Trong giai đoạn mới, trong bối cảnh thế giới tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng và phức tạp, công tác đối ngoại nhân dân phải đổi mới linh hoạt, chủ động hơn. Theo đó, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cần làm tốt 3 nhiệm vụ chính. Đó là phải luôn năm vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình hợp tác và phát triển đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bên cạnh đó, cần tích cực tham gia triển khai chiến lược ngoại giao toàn diện, trong đó kết hợp nhuần nhuyễn các kênh đối ngoại, đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp ngoại giao Việt Nam hiện đại theo tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh.

Ngoài ra là tổ chức đối ngoại chuyên trách về đối ngoại nhân dân, cần chăm lo củng cố và phát triển tổ chức, tăng cường năng lực, đảm bảo điều kiện hoạt động cho Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Đây là biện pháp quan trọng để góp phần phát triển và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân tại Việt Nam./.