Cướp đồ lễ tại Lễ khai ấn Đền Trần, nhiều người bị ngất xỉu trong lễ cướp Phết Hiền Quan… toàn những câu chuyện không vui. Lễ hội không còn là nét đẹp văn hóa mà đang có những biến tướng từ chính ý thức con người, phá hoại niềm tin từ chính con người tạo ra.
Đi lễ đền, chùa đầu năm là tín ngưỡng đẹp của người Việt Nam. Thông qua đó mỗi người từ sự thanh tịnh lòng mình cầu mong sức khỏe, hạnh phúc, công việc hanh thông cho bản thân và gia đình.
Người đi lễ lấy đồ dâng cúng tại Đền Trần, Nam Định (Ảnh: Quang Trung) |
Tín ngưỡng cũng có cấp độ của nó từ gia đình tới làng xã, quốc gia.
Ở gia đình, gia tộc thì việc thờ cúng tổ tiên hay có thể gọi là sự sùng bái tổ tiên rất quan trọng. Người ta quan niệm rằng khi chết đi, phần hồn sẽ bay lên không, còn phần xác sẽ trở về với đất.
Linh hồn đối với người sống là hai thế giới khác nhau, nhưng vẫn thường xuyên trở về với con, cháu để săn sóc. Gia đình có chuyện vui, buồn thì linh hồn tổ tiên cũng tham dự, phù hộ, báo mộng những việc lành dữ. Linh hồn quan trọng như thế nên trong mỗi gia đình con cháu phải coi trọng thờ cúng tổ tiên.
Việc thờ cúng tổ tiên không chỉ đơn giản là cho linh hồn tổ tiên có nơi trú ngụ, thoát khổ mà có ý nghĩ cực sâu xa là nhờ tổ tiên mà nòi giống được duy trì mãi mãi.
Từ gia đình cho đến làng, thì làng nào xã nào cũng thờ thần Thành Hoàng, Thổ Địa, thờ Phật. Thành Hoàng là biểu hiện của đạo đức, luật tục, quyền uy siêu việt, là sợi dây vô hình liên kết con người, cộng đồng làng xã với nhau. Việc thờ Thành Hoàng, thờ Thần (những người được dân làng tôn làm thần) rất quan trọng, thể hiện sự tôn kính, coi trọng truyền thống của làng xã đó.
Ở cấp độ quốc gia thì việc thờ cúng tổ tiên của người Việt (Vua Hùng), Văn Miếu (thờ Chu Công, Khổng Tử, các vị học trò hiền của Khổng Tử) được tổ chức hàng năm ôn lại truyền thống dựng nước, con đường học hành của những người trước, lấy đó mà làm gương.
Một loại tín ngưỡng nữa là tín ngưỡng trong dân gian, nghĩa là ngoài việc thờ cúng thần, người ta thờ thánh. Ví dụ thánh Trần (Trần Hưng Đạo), thánh Mẫu (Liễu Hạnh-con Ngọc Hoàng)…hoặc thờ cúng tổ sư bách nghệ (thờ ông tổ nghề).
Đó là tín ngưỡng, là những thứ mang tính tinh thần mà con người tin vào đó để làm cho con người gắn kết, làm điều tốt, hướng tới cuộc sống tốt đẹp.
Chỉ có những người không hiểu ý nghĩa tốt đẹp đó, mới làm những chuyện phỉ báng tổ tiên, thần linh.
Chẳng có Bà Chúa kho nào mang lại nhiều tiền, nhà lầu xe hơi cho kẻ lừa lọc, chẳng có thánh Trần nào mà lại chọn kẻ bất tài, vô dụng, chỉ có mưu xấu hại người để thưởng công, cũng chẳng có Phật nào chọn chúng sinh tai ngược, ác dâm mà phù hộ độ trì.
Nên dù những người sống chúng ta có “đút lót” thần, thánh, Phật nhiều tiền, xây chùa to, làm tượng lớn, chắc gì thánh, thần, Phật đã hoan hỉ mà ban phát lộc.
Và ngược lại những kẻ tham, sân, si; Phật cũng không nỡ diệt, thánh cũng không nỡ “vật”. Chỉ tiếc rằng, những kẻ đó không biết trời cao đất dầy, nguồn gốc bản thân mình là gì, nên lại phỉ nhổ vào chính bản thân mình.
Con người sinh ra vốn hiền từ, còn sự hiểu biết lại do quá trình tu dưỡng mà có.
Quả Phết trong Lễ hội cướp Phết vốn xuất phát từ tín ngưỡng thờ thần Mặt trời mà ra. Điều này thể hiện sự gắn kết hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Thế mà người ta lại đánh, đuổi nhau đến thâm tím, ngất xỉu để trở thành kẻ cướp. Như thế khác nào coi thường tín ngưỡng, quay lưng lại với tự nhiên.
Trong giáo lý nhà Phật có nhiều điều mà người ta chưa ngẫm ra hết. Phật vốn từ bi hỉ xả, nhưng cũng không dung thứ cho những kẻ ngu muội, mượn tinh thần mà mưu cầu lợi cho riêng mình.
Việc cướp đồ cúng ở Đền Trần, có lẽ cũng từ lòng tham của con người mà ra. Mà đã tham nơi linh thiêng cũng là coi thường tín ngưỡng, không hiểu biết gì về những vật mình cướp được có thật sự mang cho mình may mắn hay không.
Phật giáo cho rằng có hai hạng người trên trần gian đó là hạng người đen tối và hạng người quang minh.
Đó là, nếu một người nghèo lại không có tín ngưỡng thì người ấy từ trong bóng tối bước vào đen tối.
Nếu một người tuy nghèo nhưng có tín ngưỡng thì người ấy từ trong đen tối bước ra ánh sáng quang minh.
Nếu một người giàu có nhưng lại không có tín ngưỡng thì người ấy đã từ nơi ánh sáng bước vào đen tối.
Nếu một người đã giàu có lại đầy đủ về tín ngưỡng thì người ấy từ ánh sáng bước vào nơi ánh sáng quang minh hơn nữa.
Ai là người đen tối, ai là người quang minh, ai là người giàu có, ai là người nghèo hèn, theo đó mà soi./.