Đã nhiều năm nay, tôi cảm thấy “sợ” Tết. Sự sung sướng, hồ hởi khi Tết đết chỉ còn là hoài niệm, khoảnh khắc bất chợt.
Nói như vậy không phải tôi không muốn Tết. Tết là sự thiêng liêng, sự khởi đầu của những tốt đẹp, loại bỏ những cái gì không vui. Và Tôi (có lẽ nhiều người khác nữa) vẫn muốn Tết đến, nhưng lại “sợ” nó đến thật.
Tết xưa với Tôi thật đẹp và đầy kỷ niệm. Lâu nay tôi quên mất thế nào là không khí gói bánh chưng, trực chờ gần chục tiếng đồng hồ đợi chiếc bánh chưng Bố gói riêng đặt cạnh góc nồi. Miếng bánh chưng ấy ngon lạ và đầy cảm xúc.
Tết là sự khởi đầu của mọi sự tốt đẹp |
Mẹ tôi hay nén hành cùng với lá dưa rất to. Mẹ tôi bảo để ra giêng ăn. Củ hành giòn tan, lá dưa dai nhưng dòn. Mùi dưa hành ấy lâu lắm rồi tôi không được ăn, mặc dù vợ tôi vẫn hay mua hành muối ở siêu thị đựng trong lọ rất đẹp.
Mùng một Tết, cả nhà tôi quây quần bên mâm cơm. Không có giò, chả nhiều, nhưng có canh măng hầm thịt, niêu cá kho vàng ươm vào tận trong thớ thịt. Cũng không có nhiều lời chúc mỹ miều, nhưng ánh mắt ai cũng vui, lòng ai cũng vui, cả nhà rộn ràng hương xuân. Mùa Xuân thật giản dị và đầm ấm. Mỗi người cảm thấy gần gũi nhau hơn, cần phải thương yêu nhau hơn.
Bố, Mẹ tôi cũng chẳng có nhiều tiền mà mừng tuổi. Bố, Mẹ tôi mừng tuổi cho mỗi đứa một cái ôm và chúc chúng tôi học giỏi. Trong lòng chúng tôi ăm ắp sự sung sướng, tự hào là con của Bố, của Mẹ.
Tết đúng là Tết.
Tết bây giờ đầy đủ vật chất hơn nhiều, nhưng cũng hối hả hơn nhiều. Mấy đứa con tôi chẳng đứa nào thích ăn bánh chưng. Của đáng tội cũng do tôi chẳng bao giờ gói bánh chưng như Bố tôi như hồi xưa. Tôi lại ước mong Tết năm nào đó sẽ gói bánh chưng để cho con tôi biết thế nào là không khí Tết xưa. Nhưng chắc một điều rằng nó chẳng thích chiếc bánh chưng nhỏ, gói vét.
Trong một lần đi công tác địa phương dịp giáp Tết, tôi có ghé qua ngôi nhà của một bà mẹ già tại một làng nhỏ ở xã Kim Bình, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đã gần giáp Tết, nhưng nhà bà cụ chưa có gì. Cụ đã 82 tuổi, đang ngồi bên đống lá rất to để gói bánh chưng. Qua câu chuyện cụ kể, hóa ra cụ gói bánh chưng người ta đặt Tết.
Cụ có hai người con gái, một người đã 50 nhưng không lấy chồng, một người kia đã 57 tuổi bị bệnh từ nhỏ, ăn phải có người xúc. Chồng cụ bỏ cụ ra đi từ lâu vì cụ không có con trai. Lúc chết người ta giả chồng cụ về với cụ với cái xác không linh hồn. Cụ mang xác chồng về chôn cất. Nước mắt nuốt vào trong.
Mảnh ruộng bé tí chẳng đủ gạo ăn. Cụ làm nghề gói bánh chưng nuôi mình góa, con nhỡ thì, con bệnh tật. Lạ thay trên miệng cụ luôn luôn nở nụ cười, răng vẫn còn nguyên, đen nhánh. Ánh mắt cụ vẫn trong, lạc quan vô cùng.
Tôi biếu cụ ít tiền. Cụ bảo cụ cám ơn sự thông cảm, nhưng không thể nhận. Cụ vẫn tự nuôi sống được gia đình. Cụ bảo cái nghèo thua cụ rồi, cụ vẫn làm no cho mọi người, lẽ nào cụ lại đói được.
Tôi bước ra khỏi nhà cụ. Ngoài đường Tết đã rộn ràng. Mọi người hối hả mua đào, mua quất. Xanh, đỏ, vàng lóa cả mắt. Riêng nhà cụ vẫn thế, có lẽ sẽ không có cành đào, cây quất, nhưng Tết trong con người cụ vẫn hiển hiện vui vẻ vô cùng và linh thiêng vô cùng.
Tết ở lòng người.
Một nhân viên kỹ thuật của Đài Truyền hình địa phương lớn qua nhà tôi chơi, buồn bã nói với tôi rằng đã bị nợ lương mấy tháng. Tết đã cận kề cửa nhà, đứa con nhỏ dại mới sinh 5 tháng, chỉ thế thôi làm cho câu chuyện cũng buồn hơn. Tôi cũng chạnh lòng theo khi thấy mắt người bố trẻ hoe hoe đỏ.
Hy vọng Tết năm sau người bố trẻ sẽ vui vẻ, rạng ngời khi đứa con sẽ bi bô tiếng gọi “Ba”, người vợ đang lúi húi bên mâm xôi, gà cúng giao thừa, tận hưởng phút giây giao hòa giữa trời và đất./.