20 năm trước, cùng với lớp phóng viên khá đông được tuyển dụng vào VOV, tôi rất tự hào về nghề nghiệp của mình. Cái cách mà mọi người nhìn vào một anh phóng viên hồi ấy cũng khác.
Còn bây giờ, không ít lần, khi tôi giới thiệu nghề nghiệp của mình là phóng viên báo mạng, người mới gặp lập tức chê: báo mạng là hay viết linh tinh lắm, thông tin sai nhiều, toàn chuyện giật gân câu khách!
Nghe mà thấy nóng  mặt. Nhưng mở các trang báo điện tử ra đọc một lúc thì thấy không oan.
Sau nhiều sự cố, năm 2013, tòa soạn VOV.VN  xây dựng mới bản qui chế biên tập của Báo. Một trong 4 nguyên tắc cỏ bản chi phối cách đưa tin của VOV.VN là tôn thờ tính nhân văn. Chúng tôi nói với  nhau: hãy viết tử tế và viết nhiều hơn về những chuyện tử tế. Viết gì, đăng như thế nào thì cũng suy xét xem nó có ảnh hưởng cho xã hội ra sao.  Viết dễ dãi  không chỉ ảnh hưởng xấu đến độc giả mà còn làm hỏng chính mình.
bacu.jpg
Công an đưa bà cụ bị lạc về nhà, một trong muôn ngàn chuyện tốt đẹp trong năm qua!
Năm qua xảy ra nhiều chuyện đáng buồn tiếp tục cho thấy sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ném xác bệnh nhân, hàng trăm người xúm lại hôi bia từ xe chở bia bị đổ, bảo mẫu bạo hành trẻ em, vụ làm giả hài cốt liệt sĩ, bệnh viện nhân bản kết quả xét nghiệm bệnh nhân… Mở báo ra đọc đúng là thấy rầu ruột, mất hết cả lòng tin vào những điều tốt đẹp.
Nhưng những chuyện tử tế ở xung quanh ta vẫn còn nhiều lắm. Ngay sau vụ hôi bia ở Đồng Nai bị báo chí và công luận phê phán, nhiều người đã biết tỉnh ngộ. Ngay sau đó, có những vụ rơi- đổ lớn xảy ra, người đi đường không xông vào hôi của mà xúm lại giúp đỡ người bị nạn. Đó là chuyện tử tế.
Một bác sĩ phẫu thuật mà tôi gặp, mỗi tuần đứng mổ chính 4-5 ca đại phẫu. Anh tâm sự, công việc có căng thẳng nhưng không căng bằng việc bị “soi” về y đức. Anh cho rằng, để cải thiện vấn đề y đức, riêng ngành y không thể giải quyết được. Muốn y đức tốt, thì người dân cũng phải có “dân đức”, nhà quản lý cũng phải có “quan đức”, và trong bất cứ lĩnh vực nào, người thừa hành đều phải có tâm đức, thì lúc đó chắc chắn không ai còn phải phàn nàn về y đức trong bệnh viện nữa. Nhưng nếu nói như vậy thì sẽ không khác nào cuộc tranh luận: quả trứng có trước hay con gà có trước. Vì vậy, vị bác sĩ ấy cho rằng, mỗi người ở vị trí của mình, nên cố mà sống tốt, làm việc cho tròn bổn phận.
Một doanh nhân, dù tổ chức các chương trình thương mại, nhưng vẫn coi trọng tính nghệ thuật và thực sự tạo được các sản phẩm mà giới chuyên môn đánh giá cao. Anh tuyên bố rằng mình không mời tới sự kiện những nhân vật có dính scandal- trong khi đây có thể là chiêu PR của một vài đơn vị khác. Đó cũng là sự tử tế trong nghề nghiệp.
Một nghệ sĩ nổi tiếng cho biết: từ thời trẻ, nếu ra đường thấy có trộm cướp thì anh đều lao theo để đuổi. Anh sẵn sàng đấu tranh chống lại những chuyện tiêu cực, những chuyện chướng tai gai mắt ngoài xã hội. Anh mong mọi người đều đồng lòng chống lại cái xấu, bởi chỉ có đồng lòng thì mới đánh bại được cái xấu mà thôi.
Người tử tế và tin vào sự tử tế còn rất nhiều. Họ không thờ ơ, không cho rằng “mọi người hãy tốt đi rồi tôi sẽ tốt”. Họ chọn cách “là sự thay đổi tốt đẹp mà mình mong muốn”, như trong câu nói của Mahatma Gandhi- “Be the changethat you wish to see in the world”. Muốn thế giới thay đổi, chính mình phải thay đổi đã.
Hiện nay, trên một số diễn đàn mạng xã hội của các nhà báo, ngày nào các đồng nghiệp cũng cùng nhau nhặt sạn, phê phán và lên án những bài báo phản cảm. Một động thái đấu tranh tích cực. Qua cách viết, ta gieo sự tử tế bằng chính trái tim của mình. Như  thế  mới hy vọng sự tử tế có đất sống ./.