Ai đó từng nói “cuộc đời là những chuyến đi”.
Ông cha ta cũng có câu “đi một đàng, học một sàng khôn”.
Đi để học hỏi, để thêm nhiều kiến thức bổ ích. Riêng với tôi, đi còn là để yêu hơn quê hương mình. Đi để thấy Việt Nam mình đúng là “rừng vàng biển bạc” và thêm tự hào về truyền thống văn hóa đất nước mình thật là đậm đà biết bao. Và đi thì mới thấy văn hóa Việt Nam mình không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới; thêm hiểu vì sao ngày càng nhiều bạn bè quốc tế yêu mến và chọn Việt Nam làm điểm đến.
Sắc xuân. (Ảnh: Tuấn Nghĩa) |
Vì thế cũng dễ hiểu vì sao năm 2013, trong khó khăn chung nhưng ngành Du lịch vẫn tiếp tục tăng trưởng và đạt mốc 7,57 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu ước đạt 195.000 tỷ đồng.
Trong Chiến lược và Quy hoạch phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2015, ngành Du lịch nước ta sẽ đón từ 7,4 - 7,5 triệu lượt khách quốc tế. Với thành tích xuất sắc trong năm 2013, ngành Du lịch Việt Nam đã “cán đích” trước 2 năm so với mục tiêu đề ra.
Thành tựu của ngành Du lịch 2013 là sự kế thừa của những nỗ lực từ các năm trước đây. Mặc dù đây là kết quả ấn tượng, đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế đất nước, nhưng tiềm năng của chúng ta vẫn còn rất lớn và hoàn toàn có thể kỳ vọng nhiều hơn nữa ở Du lịch Việt Nam.
Cũng theo Chiến lược và Quy hoạch phát triển Du lịch Việt Nam nói trên, Du lịch Việt Nam sẽ tập trung hướng trọng tâm vào phát triển theo chiều sâu. Mục tiêu đến năm 2020, Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới.
Để đạt được mục tiêu này một cách bền vững, có lẽ nên nhìn thẳng vào những hạn chế để kịp thời bắt tay cùng nhau nỗ lực sửa chữa. Trong đó, điều đáng suy nghĩ nhất đó là con số 80% du khách nước ngoài không quay lại Việt Nam du lịch lần thứ hai.
Căn nguyên của con số này phải chăng là từ những sự kiện không đẹp như những ám ảnh mang tên “chặt chém”, tệ ăn xin, đeo bám, giá cả niêm yết không công khai… Điển hình phải kể đến vụ một người đạp xích lô đã đòi du khách nước ngoài trả 1,5 triệu đồng cho quãng đường từ Lăng Bác về phố Hàng Trống khiến Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã phải trực tiếp tìm gặp để xin lỗi.
Rồi một loạt vụ việc một số công ty du lịch đã bỏ rơi, trốn nợ, xù tiền khách hàng... và cả “sự cố” gian hàng trưng bày du lịch Việt Nam tại một Hội chợ du lịch quốc tế còn quảng bá không công di tích của nước ngoài…
Thời gian trôi thật nhanh! Xé những tờ lịch đầu tiên của năm mới bỗng thấy bâng khuâng. Bâng khuâng nghĩ về một năm không có đại sứ du lịch dù báo chí đã tốn không biết bao giấy mực và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng mất khá nhiều thời gian cho các cuộc họp về vấn đề này.
Xu hướng du lịch của thế giới ngày nay là mong muốn khám phá, trải nghiệm màu sắc văn hóa, thiên nhiên độc đáo mang tính bản địa. Không chỉ tham quan các di sản, di tích, du khách thích được tiếp xúc với người dân địa phương nồng hậu và muốn có những trải nghiệm sống thuần tuý.
Nhiều du khách nước ngoài tìm đến làng rau Trà Quế để xin làm “nông dân trồng rau”. (Ảnh: Mỹ Trà) |
Vậy thì cần gì phải đi tìm đâu xa, khi họ - những người dân địa phương chính là những đại sứ dân gian - lực lượng chính trong việc trực tiếp giao lưu quảng bá văn hóa truyền thống quê hương.
Vì thế, điều ước năm mới của tôi cho ngành du lịch xin dành cho những đại sứ du lịch dân gian - Ước gì một ngày đẹp trời tất cả mọi người, từ “quan” đến dân, đều ý thức rằng mình đang mang trọng trách đại sứ văn hóa, du lịch. Đó sẽ là ngày chủ nhân đích thực của những di sản trong đó có làng cổ Đường Lâm, phố cổ Đồng Văn… được hưởng lợi từ di sản cha ông và họ không còn nhìn du khách như những túi tiền di động để “chặt chém” mà coi đó như một cơ hội giao lưu để tự hào “khoe” văn hóa…
Đó sẽ là lúc Du lịch Việt Nam thực sự cất cánh và bất cứ ai “dù có đi bốn phương trời” cũng có thể tự hào vì mình là người Việt Nam./.