Sương chiều nghe lạnh bước chân
Khách áo cũ
Tìm về bạn cũ
Ai đốt rác lá tre bên ngõ
Lối đi đầy mùi khói cuối năm ...
Trong bài thơ Khói cuối năm của mình, nhà thơ Phùng Cung đã viết thế.
Một cảm xúc lan nhẹ trong lòng tôi. Ôi cái mùi khói đống rấm lâu lắm rồi tôi không được thấy.
Đã ngót nghét hai chục năm rồi, kể từ khi mẹ tôi theo mấy chị em chúng tôi ra thành phố sống, rồi bệnh già mà khuất núi, tôi không được ăn tết ở quê.
Nhớ hồi, mới chuyển từ Nam ra lại ngoài Bắc, bỏ nghề cũ theo nghề cầm bút, khi đó mẹ tôi cũng đã gửi căn nhà ở quê cho đứa cháu trông nom hộ, ra ở với chị tôi, tết năm ấy mẹ bảo tôi rằng hai mẹ con sẽ về quê ăn tết. Đó là năm cuối cùng của cái thời gạo sổ, thịt phiếu.
Năm ấy, giáp tết, anh em cơ quan cậy nhờ chỗ quen biết ở cơ sở mua rẻ được con lợn ngót tạ, cùng cả gạo nếp, đỗ xanh về chia nhau ăn tết. Chiều hai chín tết, tôi đến nhà người chị gái đón mẹ về quê. Chiếc xe đạp Phượng hoàng cà tàng của tôi ghi-đông treo lủng củng những túi đựng đồ. Mẹ ngồi sau ôm trong lòng tay nải đẫy quần áo.
Xe nặng, đường gió bấc to, kẽo kẹt mãi trong dòng xe cộ nườm nượp ngược xuôi về quê ăn tết, phải nghỉ dọc đường đến vài lần lấy sức và cho mẹ đỡ tê chân, hai mẹ con tôi mới vượt được chặng đường non ba chục cây số về đến quê.
Đến nhà, chẳng kể đường xa tuổi cao mệt mỏi, mẹ nhanh nhẹn hoạt bát hẳn lên, bắt tay ngay vào công việc dọn dẹp quét tước. Đúng tâm trạng người được trở về những gì từng thân thuộc gắm bó với mình. Căn nhà bỏ lâu không người chăm chút nên bề bộn quá. Rồi mẹ làm cơm bữa tối cho hai mẹ con, và nữa là sơ chế thịt thà thức ăn mang về. Tôi cũng sà vào giúp mẹ một tay, vừa làm vừa trò chuyện cho vui, dù biết nhiều khi chỉ làm quẩn chân mẹ.
Sáng ba mươi tết, hai mẹ con lại cật lực dọn dẹp, sửa sang bàn thờ, nhà cửa, sân vườn. Ngôi nhà tranh tường đất lợp rạ ba gian hai chái được cha mẹ tôi dựng trên mảnh đất rộng sào rưỡi sang nhượng lại từ hồi đầu cuộc chiến tranh chống xâm lược bằng không quân của Mỹ ra miền Bắc khi gia đình tôi từ Hà Nội về quê định cư, trông bên ngoài có vẻ sập sệ những bên trong đồ đạc vẫn khá sạch sẽ ngăn nắp.
Tôi quét mảnh sân trước nhà dài mảnh như tấm khăn, mà ngày trước cha tôi đã cầy cục mua lại gạch Bát Tràng cổ của một nhà nọ cậy bỏ đi để làm sân theo kiểu mới, mang về lát. Lòng rẩm riu rằng đã có bàn chân của bao thế hệ dẫm lên đó ?
Khi sắp xếp lại bàn thờ, tôi tỷ mẩn dùng tro bếp đánh bóng kỹ đôi chân nến đồng cổ, bình hương có hình lưỡng long chầu nguyệt, bát đựng nước cúng vẽ hình phượng múa và hai chữ Nho nội phủ, rồi bộ ấm tách trà sứ Nhật Bản mỏng tang đến mức ánh sáng có thể xuyên qua và những chiếc đĩa sứ thạch trúc. Đó là những món đồ thờ tự mà cha tôi kỳ công sắm từ ngày trước...
Chiều tất niên, theo đúng tập tục làng quê, làm những thủ tục tống cựu nghênh tân, chắc cũng như nhiều vùng quê Bắc bộ khác, mẹ quét tước mùn rác, là khô từ xó vườn, luỹ tre, đến lối ngõ, tất cả vun thành đống tướng phía bìa hàng rào ngoài cổng, châm lửa đốt.
Lửa đống rấm âm ỉ cháy, khói lên nghi ngút.
Lắng nghe, kìa đây đó những tiếng chổi nhà nhà quét tước, khắp ngõ khắp làng.
Và đống rấm nhân lên những đống rấm. Khói thơm nồng quấn quýt mái nhà, vòm cây, lũy tre như một dải mây trầm mãi không thoát lên cao được, ôm choàng lấy xóm làng.
Người đi mà mắt cay cay, bởi nhiều nhẽ, bị khói xông ư, không, hơn thế là cảm xúc chờ đón thời khắc giáp ranh năm cũ năm mới cùng vạn vật thiên nhiên... Với người quanh năm ngày tháng ở quê đã thế, thì với người đi xa hiếm có khi ăn tết quê như tôi lại càng chứa chan xúc cảm.
Tôi tha thẩn, hết ra ngõ ngó nghiêng khói đống rấm và chào đáp lễ lời hỏi thăm của bà con họ hàng , lại quay vào bếp xem mẹ tôi nấu cỗ , rồi lên nhà châm tuần hương mới trên bàn thờ tổ tiên, tư lự chiêu đôi ba ngụp trà...
Như đã thành nếp, chiều ba mươi, trong những món cỗ, bao giờ mẹ tôi cũng làm món bún chả. Mùi vị quyến rũ của chả nướng quện với mùi khói bếp, khói lửa đống rấm, mùi hương trầm tạo nên một hương vị đầm ấm khôn cùng.
Chiều muộn, mẹ tôi có ý ngóng chị gái tôi lấy chồng xã bên về gửi tết. Chưa kịp nhắc thì đã thấy vợ chồng chị tôi và lúc nhúc mấy đứa cháu lên tiếng ngoài cổng. Vợ chồng chị mang biếu mẹ cặp bánh chưng và nửa cân giò nạc. Mẹ giục tôi sắp cỗ cúng sớm để vợ chồng chị tôi cùng ăn cơm tất niên và còn phải về kịp cúng tất niên bên nhà chồng.
Đông người ăn, con cháu tuy chưa thật đầy đủ song mẹ tôi vui lắm. Mẹ chỉ ăn qua quýt, luôn miệng nói ,chuyện nọ dọ chuyện kia, chưa xong người này đã nhoằng sang người khác, và cũng luôn tay gắp thức ăn bỏ vào bát mọi người, nhìn con cháu ăn làm vui.
Lúc anh chị tôi về rồi, mẹ thắp tuần hương mới trên bàn thờ, khấn các cụ và khấn mà như nói chuyện với cha tôi, đại ý muốn báo với ông rằng hãy yên tâm ở bên kia thế giới vì mẹ đã nuôi chị em chúng tôi nên người đúng như lời hứa với cha tôi lúc ông rời xa mãi mãi. Mẹ còn hẹn với cha tôi hãy gắng đợi bà dăm năm nữa, bởi bà con muốn lo cho tôi thành gia thất thì mới yên lòng...
Nghe lời mẹ khấn cha, tôi cảm thấy mình bé bỏng lạ, hệt như cậu bé con ngày nào thỉnh thoảng bị cha mẹ rầy mắng, tự đáy lòng thầm nhận bao lỗi lầm mà mình từng mắc phải làm cha mẹ buồn lòng, và cầu xin người tha thứ.
Ngoài vườn, những cây cải sót lên ngồng vào hạt mẩy tự bao giờ đung đưa trong gió lạnh. Bên kia hàng rào, những đống rấm vẫn âm ỉ cháy, toả mùi khói thơm nồng xua bớt đi cái giá rét. Chốc chốc, gió lùa mạnh làm bùng lên ngọn lửa, phát ra những tiếng nổ lách tách vui vui mơ hồ trong gió xuân.../.