Sáng nay (15/4), Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017 với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”.

Trong Tháng hành động kéo dài từ  15/4/2017 đến15/5/2017, thành phố tổ chức nhiều hoạt động thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Theo đó, thành phố lập 1 đoàn thanh tra liên ngành để giám sát công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đồng thời đi kiểm tra thực tế tại các cơ sở. Các sở, ngành, các địa phương cũng thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành kiểm tra thường xuyên hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn mình quản lý.

_anh_phat_don_g_awvg.jpg
Quang cảnh Lễ phát động “Tháng hành động vì An toàn Thực phẩm năm 2017”. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN).
Phát biểu tại Lễ phát động, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu yêu cầu các sở, ban, ngành của Thành phố kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng phụ gia công nghiệp, kháng sinh, thuốc thú y, chất bảo quản ngoài danh mục cho phép; đồng thời tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát đối với cơ sở sản xuất kinh doanh rượu, không để rượu không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động kiểm tra, kiểm soát thực phẩm là nhiệm vụ phải được thực hiện liên tục. Thành phố sẽ đẩy mạnh kiểm soát liên tục, thường xuyên việc sản xuất, lưu hành và sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, rượu pha cồn công nghiệp gây ngộ độc thời gian gần đây.

“Chủ trì vẫn là ngành công thương trong sản xuất và kinh doanh, phân phối rượu. Phải xem lại để lồng ghép vào hàng gian hàng giả và chống gia lận thương mại. Thứ 3 là cồn công nghiệp cũng chẳng khác gì những phụ gia công nghiệp khi mà người ta tự do mua bán và trà trộn vào thực phẩm đâu. Chúng ta cũng cần phải xem lại những điều khoản luật” – bà Lan nói./.