Trong phiên chất vấn tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) đã trực tiếp đặt câu hỏi cho Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) từ cách tiếp cận, phối hợp phân công nhiệm vụ.
Trong phần trả lời của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định công tác này được các Bộ ngành, đoàn thể rất quan tâm và có nhiều cố gắng, tiến bộ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Có nhiều nguyên nhân, nhưng những bất cập đó không phải từ phân công, phân nhiệm có chồng chéo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong một lần trả lời PV tại hành lang Quốc hội |
Theo Phó Thủ tướng, trước năm 2011, khi Luật ANTP có hiệu lực, chúng ta quản lý lĩnh vực này theo cách phân đoạn. Bộ NNPTNT quản lý khâu sản xuất, Bộ Công thương quản lý khâu lưu thông, Bộ Y tế quản lý khâu chế biến. Sau đó, đã xây dựng luật mới trên tư duy rất mới, phù hợp với quốc tế, đó là quản lý theo chuỗi và theo ngành hàng, từng nhóm sản phẩm: từ khâu sản xuất, sơ chế, tới chế biến, lưu thông, kinh doanh.
Luật quy định rất rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với 3 Bộ này. Nghị định của Chính phủ năm 2012 cũng quy định rất cụ thể theo tinh thần của luật. Gần đây nhất, tháng 4/2014, ba Bộ đã ký Thông tư liên tịch, trong đó quy định chi tiết nguyên tắc phối hợp, mỗi việc chỉ có một cơ quan chịu trách nhiệm chính, làm đầu mối; có phụ lục đầy đủ từng ngành hàng, từng nhóm sản phẩm thuộc các Bộ.
“Cho nên khẳng định là chúng ta cơ bản không có vấn đề về mặt chồng chéo. Tại sao còn chữ cơ bản, bởi quản lý VSATTP cũng như rất nhiều lĩnh vực khác luôn có sự giao thoa giữa các ngành. Vì thế, hiện nay mặc dù đã tinh giản rất nhiều nhưng theo thống kê vẫn còn 192 ban chỉ đạo và ủy ban liên ngành. Trong đó Thủ tướng và Phó Thủ tướng đứng đầu 108 ban chỉ đạo. Cá nhân tôi đứng đầu 20 ban. Để thấy rằng chúng ta luôn luôn có sự phối hợp và các ban chỉ đạo, các ủy ban này – trong đó có Ban chỉ đạo về VSATTP” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ban chỉ đạo không chỉ họp định kỳ, mà còn thường xuyên trao đổi với nhau giữa các Bộ, thậm chí bằng điện thoại, không câu nệ cấp chức. Trực tiếp bản thân Phó Thủ tướng cũng đã làm việc với chuyên viên, để xem xét, giải quyết những vấn đề “nóng”.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Luật pháp, nghị định rất đầy đủ, nếu thực hiện tốt thì vấn đề có thể được giải quyết cơ bản. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện không chỉ của từng ngành, theo ngành dọc và sự vào cuộc không thể thiếu của các cấp chính quyền địa phương.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận, quản lý VSATTP không chỉ bằng pháp luật mà cả vận động nhân dân bằng truyền thống, đạo đức. Luật cũng quy định trách nhiệm giáo dục và tuyên truyền, trong đó quy định trách nhiệm của cả Bộ GD-ĐT, Bộ Thông tin – truyền thông.
“Chúng tôi cũng đã làm rất nhiều với các đoàn thể, từ Hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, MTTTQ Việt Nam; đã bàn thống nhất với thường trực Ủy ban TWMTTQ Việt Nam. Cá nhân đồng chí Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đồng ý và chúng tôi đang soạn thảo một chương trình phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban TWMTTQ Việt Nam và Chính phủ, cùng với các đoàn thể để làm thật tốt việc này.
Nếu làm tốt việc này, tin rằng sẽ tạo chuyển biến tích cực hơn rất nhiều so với hiện nay. Bởi hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm diễn ra ở từng hộ gia đình, với gần 10 triệu hộ. Nhiều quy định còn thiếu, nhưng cũng có rất nhiều quy định rõ ràng. Ai sử dụng chất cấm, sử dụng sai thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí phân bón, thực ra ở dưới cơ sở nhiều khi biết” – Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bổ sung thêm, nếu chúng ta làm được việc này còn khắc phục được câu chuyện thanh tra, kiểm tra. Theo báo cáo của các Bộ trưởng gửi ĐBQH, trung bình trong nhiệm kỳ vừa qua, mỗi một năm các cơ quan đã tiến hành thanh tra về VSATTP khoảng 47.000 lượt cơ sở. Trong khi đó lực lượng thanh tra chuyên ngành, kể cả thú y có khoảng 1.300 người, rất thấp so với các nước xung quanh.
Thông qua diễn đàn Quốc hội và các phương tiện truyền thông đại chúng, Phó Thủ tướng cho rằng nhân dân cần ý thức được hơn trách nhiệm của mình trong việc này. Đây là cuộc vận động không chỉ liên quan đến thực hiện pháp luật, mà liên quan đến đạo đức của con người./.