Nấm được dùng phổ biến trong chế biến thức ăn chay và các loại lẩu. Tuy nhiên, sau hàng loạt thông tin thực phẩm Trung Quốc có chứa chất độc hại, người tiêu dùng Việt gần như tẩy chay mặt hàng nấm.
Để bán được hàng, người bán luôn giới thiệu nguồn gốc sản phẩm của họ là Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc)…
Tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ 8/3, Vĩnh Tuy, Hàng Bè, chợ Mơ, nấm là sản phẩm bán kèm của nhiều quầy hàng rau xanh.
Loại nấm đóng gói có tiếng Trung Quốc được bày bán tại các chợ dân sinh |
Tuy nhiên, loại nấm nuôi trồng tại Việt Nam được bày bán với số lượng rất ít, đa phần là các loại nấm có xuất xứ từ Trung Quốc, đựng trong túi ni lông không có tên đơn vị nhập khẩu, nhưng nhìn kỹ có thể thấy tiếng Trung Quốc trên bao bì.
Các loại nấm như: Nấm tuyết, kim châm, đùi gà... được bày bán với khối lượng lớn, đa phần không rõ nguồn gốc xuất xứ, trên bao bì in chữ Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng không được bảo quản lạnh, không có hạn sử dụng.
Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ của những loại nấm này, nhiều chủ hàng lắc đầu và cho biết nhập hàng từ chợ đầu mối rồi mang về bán lẻ cho người tiêu dùng.
Các loại nấm kim châm, nấm sò, hải sản, nấm đùi gà không rõ nguồn gốc này được bán với giá từ 11.000 đồng – 18.000 đồng/túi.
Một người bán hàng tại chợ 8/3 cho biết: “Tất cả nấm ở đây đều là hàng Trung Quốc hết, kể cả nấm khô, chẳng có chợ nào bán hàng Việt cả. Của Việt Nam chỉ có nấm sò và nấm rơm thôi. Người ta bán buôn xuất thành từng thùng một, mỗi thùng từ 25 -35 gói. Chợ ở đây lấy hàng nghìn gói”.
Trong tình thế này, khi an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề nóng của toàn xã hội, thì người tiêu dùng đang thực sự hoang mang trong việc chọn mua các sản phẩm nấm. Phần lớn người tiêu dùng đều tin tưởng lựa chọn các loại nấm có nhãn mác, nguồn gốc trong nước.
Chị Phạm Thúy Hằng, ở quận Hai Bà Trưng cho biết: “Mua ở các chợ lẻ thì khó phân biệt được nấm Việt Nam hay Trung Quốc, Hàn Quốc. Tôi hay nhìn vào bao bì sản phẩm. Nấm của Việt Nam có mã vạch là 89, của Trung Quốc là 69. Mã 69 thì đợt Tết Âm lịch vừa rồi mình có mua 2 gói nấm về và vô tình để quên thì khoảng 1 tháng sau mở ra thấy sản phẩm vẫn rất mới, trắng nõn nà và vẫn có thể ăn được nhưng tôi sợ quá và đã vứt đi. Vào siêu thị thì cũng không thấy có nấm Việt Nam mấy nên tôi rất lo lắng”.
Có một nghịch lý là trong khi nấm Trung Quốc lấn át, người tiêu dùng tìm mua nấm Việt, thì các doanh nghiệp sản xuất trong nước lại đang phải từng ngày cố gắng đáp ứng nhu cầu trong nước và cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Hiện giá bán lẻ các loại nấm trên thị trường khoảng 40.000 đồng – 90.000 đồng/kg, trong khi đó, giá bán buôn nấm Trung Quốc rất thấp.
Chẳng hạn 1kg nấm đùi gà Việt Nam có giá 110.000 đồng, trong khi đó 1kg nấm đùi gà Trung Quốc mua tại chợ đầu mối chỉ có giá 30.000 đồng.
Mặt khác, để sản xuất nấm sạch không sử dụng hóa chất đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn, khoảng 30 - 40 tỉ đồng để xây dựng nhà xưởng, thiết bị công nghệ, giống…
Trong khi sản phẩm bán ra thị trường không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc do nấm Trung Quốc không chỉ giá rẻ, mẫu mã và màu sắc bắt mắt, mà còn ít hư hỏng, có thể để từ 3 - 6 tháng vẫn không bị dập, úng hay ngả màu, nên nhà sản xuất trong nước gặp không ít khó khăn.
Trên địa bàn Hà Nội hiện chỉ có vài chục cơ sở sản xuất nấm, chủ yếu là các loại nấm mỡ, nấm sò, nấm hương; còn các loại nấm cao cấp như nấm kim châm, nấm tuyết rất khó trồng do điều kiện khí hậu và giá thành tương đối cao.
Theo các chuyên gia về nghiên cứu sinh học, nấm thông thường chỉ có thể bảo quản từ 5-7 ngày sau khi thu hoạch trong điều kiện bảo quản lạnh.
Các loại nấm trong siêu thị có thời gian bảo quản từ 8-20 ngày tiềm ẩn nguy cơ gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng.
Đặc biệt, nấm Trung Quốc có thể để ở nhiệt độ thường tới 10 ngày, có trường hợp nấm Trung Quốc để trong tủ lạnh tới 30 ngày mà vẫn còn tươi.
Nấm tươi nếu để quá hạn sẽ tồn tại các loại vi khuẩn gây bệnh và các kí sinh trùng, đặc biệt có những loại độc tố nguy hiểm, có thể gây nguy cơ ngộ độc, thậm chí ung thư.
Với những loại nấm phổ biến như: Nấm trắng, đông cô, kim châm thì nấm Trung Quốc có kích cỡ lớn hơn, nhìn tươi ngon hơn nấm Việt Nam.
Nấm sản xuất trong nước không bị xử lý qua hóa chất bảo quản nên mỗi loại nấm có mùi đặc trưng riêng.
Nấm Trung Quốc có chất bảo quản nên chỉ có một mùi và mùi này cũng không giống mùi nấm. Khi nấm chuyển sang màu vàng, trong túi có tiết chất nhờn, bốc mùi khó chịu, rễ nấm bở bóp vỡ vụn, chân không còn chặt là dấu hiệu nấm đang bị hư hỏng, tuyệt đối không nên sử dụng.
Ông Lê Hồng Vinh - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nấm, thuộc Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết: “Trên thị trường hiện nay, Việt Nam sản xuất các loại nấm ăn đều không hề có chất bảo quản, hoàn toàn đảm bảo về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn các loại nấm nhập bên ngoài vào như nấm Trung Quốc, Hàn Quốc... thì việc kiểm soát hàng nhập khẩu vào Việt Nam nhằm đảm bảo về chất lượng, an toàn thực phẩm thì phải có sự kiểm soát của các nhà quản lý. Phải quản lý chặt chẽ các mẫu được nhập khẩu vào Việt Nam”.
Để mua được nấm sạch, đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm trên bao bì có đầy đủ thông tin chi tiết về nơi sản xuất trong nước hoặc doanh nghiệp nhập khẩu nếu là sản phẩm nước ngoài.
Cơ quan quản lý thị trường và ngành liên quan cần phải vào cuộc để tìm hiểu nấm Trung Quốc có sử dụng hóa chất bảo quản gì, chất này có ảnh hưởng ra sao tới sức khỏe người tiêu dùng để có những khuyến cáo phù hợp. Đồng thời, thông qua đó sẽ xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với nấm nhập khẩu để đảm bảo các loại nấm độc hại không thể thâm nhập thị trường nội địa./.