Vi phạm an toàn thực phẩm, thực phẩm bẩn, tổ chức, cá nhân bị cơ quan chức năng xử phạt; thậm chí một số hành vi sử dụng chất cấm sẽ bị xử lý hình sự từ ngày 1/7 tới đây. Liệu còn người tiêu dùng có phát huy được quyền năng của mình, khởi kiện đòi đền bù, bảo vệ quyền lợi chính đáng?

 “Cái chết” cận kề

Chưa bao giờ người dân lại đối diện với “cái chết” cận kề từ bàn ăn như bây giờ. Liên tiếp hàng loạt vụ thực phẩm bẩn bị phanh phui như gà tẩm chất vàng ô, lợn nuôi bằng chất tạo nạc, chuối dấm thuốc diệt cỏ... đã khiến người tiêu dùng hoang mang, lo ngại. Chẳng hạn hàng tấn Salbutamol được đưa vào thức ăn cho lợn để tạo nạc, làm “nóng” dư luận gần đây.

thuc_pham_2_qfmp.jpg
Người dân mong muốn được mua thực phẩm sạch (ảnh minh họa)

Không chỉ “nóng” trong dư luận mà vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) một lần nữa  “nóng” lên tại phiên họp Chính phủ vừa rồi khi Bí thư Thành uỷ TP HCM Đinh La Thăng nêu vấn đề: Các Bộ phối hợp tốt nhưng tại sao dân vẫn phải ăn bẩn? Không phải ngẫu nhiên mà Bí thư Thăng lại nói như vậy, bởi trong hai tháng gần đây, lực lượng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an phối hợp Thanh tra Bộ NN&PTNT đồng loạt kiểm tra các trang trại và cơ sở chăn nuôi lợn trên cả nước. Cơ quan chức năng đã phát hiện tới 18 vụ vi phạm về sử dụng chất cấm và xử phạt 2,6 tỷ đồng. Riêng năm 2015, một loạt các công ty như: Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Trường Phú, thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương), Công ty THNH Thiên Tôn (Hải Dương), Công ty Vimark (Bắc Giang), Công ty Đại An Tín (Hải Dương); rồi một loạt các trang trại lợn thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai… sử dụng hóa chất, hoặc chất vàng ô, sabutamol… bị cơ quan chức năng bêu tên trên các phương tiện truyền thông.

Theo số liệu của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an, năm 2015 có khoảng 9.140kg salbutamol được nhập về Việt Nam. Trong đó, trên 6 tấn đã được bán ra thị trường nhưng chỉ có 10kg được sử dụng đúng quy định. Như vậy, với 6 tấn chất cấm đang trôi nổi ngoài thị trường sẽ có khoảng 600.000 tấn thức ăn cho lợn có chứa chất cấm. Với lượng thức ăn này đủ để “tạo nạc” cho 6 triệu con lợn. Điều này có nghĩa có đến 6 triệu con lợn bẩn đang “chờ chực” để nhảy vào bàn ăn của người dân.

Lý giải về tình trạng vi phạm ATTP tràn lan như hiện nay, TS.Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho hay, hệ thống pháp luật của chúng ta chưa đủ sức răn đe, việc thực thi pháp luật về ATTP chưa nghiêm minh. Chúng ta chưa có một chiếc gậy chỉ huy thống nhất, đủ quyền lực và chưa có một hệ thống với lực lượng đủ mạnh, được trang bị đầy đủ, để thực hiện thường xuyên, hằng ngày, hằng giờ kiểm soát ATTP mọi nơi, mọi lúc. Cơ chế hiện nay chủ yếu là hậu kiểm, chứ chưa phải là ở thế chủ động tiến công kiểm soát. 

Khởi kiện có được đền bù?

Sau khi một loạt công ty thức ăn chăn nuôi, trang trại sử dụng chất cấm đã bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, phạt hành chính hàng tỷ đồng không ít người đặt ra câu hỏi, vậy liệu người tiêu dùng Việt Nam có quyền khởi kiện, đòi đền bù theo Điều 8 Luật Bảo vệ người tiêu dùng?

TS.Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng khẳng định, người tiêu dùng có quyền khởi kiện các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh và sử dụng chất cấm này. Nếu cần, Hội có thể đứng ra làm đầu mối tập hợp thông tin và khởi kiện giúp người tiêu dùng.

Cùng đồng tình với quan điểm này, Luật sư Trương Văn Đức, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty luật Basico cũng cho rằng, trong trường hợp này người tiêu dùng có quyền khởi kiện, có quyền đòi bồi thường. Tuy nhiên, nếu khởi kiện người tiêu dùng phải chứng minh được thiệt hại thì tòa mới thụ lý. Vậy làm sao có thể chứng minh được thiệt hại cụ thể khi thực phẩm bẩn âm thầm tấn công người dùng có thể trong thời gian 1 tháng, 2 tháng, 1 năm, 2 năm, thậm chí cả chục năm? Quy định, phải chứng minh thiệt hại không khác gì “đánh đố” người tiêu dùng.

Nhìn ra thế giới, vì những lỗi đơn giản tưởng như “ngớ ngẩn” nhưng người tiêu dùng có thể làm điêu đứng các thương hiệu lớn. Ví dụ như vụ một phụ nữ đã kiện McDonald”s vì ly cà phê của McDonald”s quá nóng và khi đổ, nó làm cô bị bỏng. Công ty McDonald”s đã thua kiện và buộc phải bồi thường gần 3 triệu USD.

Trong khi đó, tại Việt Nam liên tục xuất hiện các vi phạm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng người dùng lại chưa được chú tâm. Rất nhiều người sử dụng phải các sản phẩm kém chất lượng, thậm chí những sản phẩm đó phá hoại sức khoẻ của mình nhưng không biết và khi biết cũng chẳng biết làm thế nào để đòi lại lẽ công bằng.

Điển hình là năm 2007, ông Hà Hữu Tường, trú tại 982/9 tỉnh lộ 43, KP1, P.Bình Chiểu, Quận Thủ Đức, TP HCM đã gửi đơn đến TAND TP HCM khởi kiện các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nước tương có chất 3-MCPD vượt quá tiêu chuẩn quy định. Nhưng cuối cùng vụ kiện cũng đi vào im lặng vì khi yêu cầu bồi thường, người khởi kiện phải đưa ra được chứng cứ cụ thể mình bị thiệt hại do lô sản phẩm nào, của hãng sản xuất nào để tòa xem xét. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng dù quan tâm đến quyền lợi của mình nhưng cũng rất khó để khiếu kiện.

Trong khi các hành vi vi phạm ATTP, tổ chức, cá nhân bị cơ quan chức năng xử phạt; thậm chí một số hành vi sử dụng chất cấm sẽ bị xử lý hình sự từ ngày 1/7 tới đây thì theo quy định pháp luật hiện tại, người tiêu dùng lại dễ kiện song lại khó đòi bồi thường thì quả thật không công bằng. Rõ ràng, các nhà làm luật, các cơ quan chức năng cần rà soát, điều chỉnh lại quy định của luật để người tiêu dùng phát huy quyền năng của mình khởi kiện, đòi bồi thường./.

Công ty nhập khẩu cũng phải chịu trách nhiệm

Hành vi của hộ gia đình, chủ trang trại, công ty đã sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vi phạm Thông tư 28/2014/TT-BNNPTNT, vì vậy cá nhân, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trường hợp này, nếu Công ty nhập khẩu Salbutamol khi bán mà biết tổ chức, cá nhân mua sử dụng vào mục đích chăn nuôi thì Công ty nhập khẩu cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý và liên đới bồi thường.

Ông Nguyễn Mạnh Thuật, Giám đốc Công ty luật Đông Nam Á

Luật phải thay đổi

Thay vì phải bắt tôi chứng minh thiệt hại mới bồi thường, bây giờ chỉ cần có kết luận đó là chất độc, chất cấm và thực tế là tôi đã mua, tôi đã ăn thì anh phải có trách nhiệm bồi thường. Nó giống như câu chuyện sử dụng rượu bia trong giao thông. Chỉ cần ông có hơi bia, hơi rượu là đã xử phạt rồi, không cần phải chứng minh việc ông uống rượu bia nhiều hay ít và có nguy hiểm hay không? Vấn đề là pháp luật phải thay đổi căn bản thì mới giải quyết được.

Ông Trương Văn Đức, Luật sư, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Luật Basico

Thôi “chém gió” mà hãy vào cuộc

Người tiêu dùng sẽ mất niềm tin vào cơ quan chức năng, họ không tin mình được sống an lành, họ không chết vì chiến tranh mà chết vì bệnh tật. Vì thế, cần có cuộc tổng tấn công, phát động quần chúng nhân dân, các hội ban ngành như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Chăn nuôi, Hội Làm vườn… cùng vào cuộc. Hãy thôi “chém gió” mà hãy vào cuộc. Tôi tin người dân Việt Nam lương thiện, nếu tất cả cùng vào cuộc thì sẽ giảm được việc sử dụng chất cấm như hiện nay.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm