Tại hội nghị triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức sáng nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu yêu cầu cơ quan chức năng của Hà Nội chỉ rõ những cơ sở nào kinh doanh thực phẩm bẩn và công bố những cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch để người dân biết, lựa chọn.

hoi_nghi_vov_tdcs.jpg
 
Phát động tháng hành động vì an toàn thực phẩm từ ngày 15/4 đến 15/5 năm nay, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề ra mục tiêu: giải quyết căn bản vấn đề bức xúc, nổi cộm hiện nay là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; giảm rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; giảm tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản, tạo niềm tin cho người tiêu dùng; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của tổ chức cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn. Trong tháng hành động này, Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội cũng tổ chức 6 đoàn kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt tại các chợ đầu mối, nơi cung ứng rau, thịt, nông sản. Ước tính toàn thành phố có 58.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Trước việc triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố thực hiện bằng những hành động cụ thể để đáp ứng yêu cầu bức thiết về thực phẩm sạch của người dân hiện nay: “Tôi mong muốn thành phố Hà Nội thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, chỉ ra bằng được những địa điểm, những cá nhân, tổ chức, cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn. Công khai những đơn vị cá nhân này. Điều thứ 2 là phải chỉ cho được những cơ sở nào sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn. Bởi vì một người dân như tôi biết mua thực phẩm ở đâu vì hiện nay ở đâu cũng thấy thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn”

Cũng trong sáng nay, thành phố Hà Nội triển khai kế hoạch thực hiện năm cao điểm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, ngăn chặn, xử lý dứt điểm việc lưu thông, buôn bán, sử dụng chất cấm cũng như việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và ngăn chặn hiệu quả việc lưu thông, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, phụ gia ngoài danh mục cho phép. Phấn đấu đến đến cuối năm nay, tỷ lệ mẫu rau, thịt được giám sát ngẫu nhiên có tồn dư hóa chất độc hại giảm 15%; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện vệ sinh an toàn thưc phẩm tăng 15%. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thông cũng xây dựng 35 chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn và tổ chức kiểm tra, giám sát, cấp giấy chứng nhận bán sản phẩm an toàn và công khai tại nơi bày bán cho người tiêu dùng./.