Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức ra đời ngày 31/12/2015. Theo đánh giá, AEC sẽ đem đến nhiều cơ hội việc làm cho đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đặc biệt người lao động thông thạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại trình độ tiếng Anh và “kỹ năng mềm” của lao động Việt Nam khó có thể cạnh tranh với lao động các nước trong khu vực, bởi các cơ sở đạo tạo nghề và người học chưa thực sự quan tâm đến những công cụ quan trọng này.
Quan trọng nhất nhưng lại yếu nhất
Theo khảo sát của công ty tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks, dựa trên ý kiến của 2.500 người lao động, cho thấy có đến 84% nghĩ rằng bất lợi lớn nhất là “nhiều đối thủ cạnh tranh hơn trên thị trường lao động Việt Nam và họ đều thông thạo tiếng Anh”. Kết quả này cho thấy nhiều lao động Việt Nam đang thiếu tự tin về khả năng ngoại ngữ, cũng như khả năng đàm phán công bằng về lương bổng với nhà tuyển dụng. Sự thiếu tự tin này càng thể hiện rõ khi có đến 67% trong nhóm này cho rằng người lao động Việt Nam không đủ sức cạnh tranh với nhân lực nước ngoài một khi Việt Nam gia nhập AEC.
Tiếng Anh và tin học vẫn chưa được coi trọng trong các trường nghề (Ảnh minh họa) |
Cũng theo VietnamWorks, 3 kỹ năng quan trọng nhất mà người lao động Việt Nam cần trang bị và phát triển để sẵn sàng cho AEC đó là ngoại ngữ (89% số người khảo sát đánh giá là quan trọng nhất); kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xây dựng lãnh đạo/quản lý. Nhận định này rất đúng đắn khi có đến 41% vị trí đăng tuyển trên VietnamWorks trong năm vừa qua ưu tiên cho các hồ sơ được viết bằng tiếng Anh.
Ông Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội khẳng định, học sinh, sinh viên của ta gặp thách thức về khả năng hòa nhập trong môi trường lao động mới sau khi tốt nghiệp đó là tiếng Anh và tác phong công nghiệp, điều này ít được đào tạo trong nhà trường.
Về tiếng Anh, mặc dù chương trình khung đã giành tới 120 giờ chung, một số nghề còn có thêm từ 60 – 120 giờ tiếng Anh chuyên ngành nhưng xem ra vẫn không đủ. Nguyên nhân một phần vì học viên học nghề có xuất phát điểm về trình độ tiếng Anh rất thấp, một phần vì cả người học và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trong trường chưa thực sự coi trọng môn học này trong học nghề.
Ngoài ra, trình độ giáo viên, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ, tài liệu học cũng “góp phần” đáng kể vào trình độ tiếng Anh của học viên khi ra trường còn cách xa mong muốn.
Ông Phạm Đức Vinh cũng thừa nhận: “Bên cạnh đó, tác phong công nghiệp có thể coi là điểm yếu cơ bản nữa của học sinh, sinh viên Việt Nam trong cạnh tranh. Học viên không có điều kiện rèn luyện tác phong công nghiệp trong thời gian học tập, đơn giản vì điều kiện đào tạo của các trường không giống với một doanh nghiệp công nghiệp. Hầu hết các trường nghề đều gặp phải vấn đề này.
Ngay cả khi đi thực tập, học viên cũng không phải lúc nào cũng tìm được doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu quan tâm rèn luyện đến tác phong công nghiệp thực thụ vì phần lớn các doanh nghiệp mà các em thực tập có quy mô nhỏ và siêu nhỏ”.
Thừa kiến thức, thiếu “kỹ năng mềm”
TS. Phan Chính Thức, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Phó Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Nghề công tác xã hội khẳng định, kỹ năng mềm có thể quyết định tới 75% thành công của con người trong cuộc sống. Nhận thức được điều này, các doanh nghiệp hiện đã chú ý đến kỹ năng mềm nhiều hơn (có nơi gọi là kỹ năng sống, văn hóa nghề), không chỉ dừng lại ở những kiến thức khuôn cứng trong nhà trường. Đây là kiến thức người lao động cần được trang bị để bước vào thị trường lao động một cách vững vàng, tự tin.
Ông Phan Chính Thức trả lời phóng viên VOV.VN |
Ông Phan Chính Thức đánh giá: “Hiện nay các doanh nghiệp đều nhìn nhận kỹ năng mềm của người Việt Nam rất thấp, cho nên khả năng tìm việc làm hoặc làm việc theo tổ đội, phương pháp hợp tác với nhau rất kém. Chưa kể 2 công cụ quan trọng để di chuyển lao động, làm việc trong môi trường đa văn hóa và trở thành công dân toàn cầu đó là ngoại ngữ và tin học thì lao động của ta cũng yếu”.
Các chuyên gia cho rằng, kỹ năng mềm không thể một lúc có ngay được, mà cần được trang bị đồng bộ, tổng thể từ giáo dục phổ thông đến giáo dục nghề nghiệp, kể cả sau khi ra trường đi làm. Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, nhà trường ngay từ bây giờ phải đưa những đào đạo kỹ năng mềm thành môn học; có thể dạy lồng ghép với kỹ năng nghề, hoặc là một số tiết dạy độc lập.
“Hội chúng tôi đã đề xuất và đã biên soạn chương trình này, sắp tới sẽ chuyển cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu để áp dụng. Một số trường đã xin tài liệu về để ứng dụng. Chúng tôi thiết kế chương trình theo 8 – 9 module (khối chương trình); trong đó trang bị những kiến thức chung về giao tiếp, làm việc theo tổ nhóm, xây dựng kế hoạch, kỹ năng tìm việc… Đây là khung chung, còn vận dụng sẽ tùy mỗi ngành nghề, môi trường, địa phương. Khi chúng tôi dạy thí điểm ngoại khóa thì nhận thấy học sinh rất hứng thú. Tôi nghĩ đây là tín hiệu đáng mừng, vì các trường đã nhận thức được rằng nếu học sinh của mình không được trang bị những kiến thức đó thì khó hội nhập” – ông Phan Chính Thức nói.
Theo đánh giá, so với các nước khác trong AEC như Philippies, Thái Lan, Malaysia, Singapore thì trình độ tiếng Anh của lao động Việt Nam còn rất hạn chế; cùng với kỹ năng mềm yếu, là những thách thức không nhỏ của lao động Việt Nam trong quá trình hội nhập. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo, khi tham gia vào AEC thì số việc làm của Việt Nam đến năm 2025 có thể tăng 14,5%. Đây là cơ hội lớn cho lao động Việt Nam.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, bản thân người lao động muốn hội nhập, di chuyển trong AEC cần chuẩn bị đủ các kỹ năng làm việc theo nhóm, ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng máy vi tính thành thạo… nếu không muốn bị bỏ rơi phía sau hoặc nhường chỗ cho lao động nước ngoài./.