Ngày 13/2, Đội Cảnh sát môi trường Công an quận Hoàng Mai ra quyết định xử phạt hành chính đối với 3 lái xe taxi vì hành vi đi tiểu tiện không đúng nơi quy định với mức 2 triệu đồng/người.
Mọi nơi, mọi lúc. |
Đây là những trường hợp hiếm hoi đầu tiên ở Hà Nội bị xử phạt sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 155 có hiệu lực từ ngày 1/2/2017. Theo đó, người tiểu bậy sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng. Vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị, phạt từ 5-7 triệu đồng, tăng 10 lần so với trước đây.
Đỏ mắt tìm chỗ “đi tè” hợp pháp
Vụ việc xử phạt 3 tài xế taxi tè bậy nhanh chóng gây chú ý và nó cũng khiến nhiều người lo lắng, nhất là những người làm việc liên tục ngoài đường như lái xe, xe ôm... Đa số ý kiến thể hiện sự đồng tình và cho rằng cần đẩy mạnh việc xử phạt các hành vi tương tự để góp phần nâng cao văn hóa của người dân.
Đái bậy ngay chân biểm cấm. |
Bên cạnh đó, không ít người băn khoăn, đó là việc số lượng nhà vệ sinh công cộng (VSCC) hiện chưa đáp ứng được mà xử phạt thì cũng “oan” quá.
Anh Đỗ Văn Huấn, ở quận Hoàng Mai, lái xe hãng taxi Hương Lúa cho biết: Chúng tôi cũng rất muốn đi vệ sinh đúng nơi quy định nhưng ở Hà Nội quá thiếu nhà VSCC.
“Sau khi 3 lái xe taxi bị xử phạt 2 triệu đồng/người vì tè bậy, tôi đã phải để ý và đánh dấu những điểm có nhà VSCC. Gần khu vực này, trên phố Trần Đại Nghĩa có 2 nhà VSCC nhưng lần nào đến cả 2 đều khoá cửa. Chưa kể, việc đỗ xe rất bất tiện, vừa đi vệ sinh vừa thấp thỏm lo đỗ xe sai quy định, lại bị phạt cũng chết”, anh Huấn phân bua.
Còn anh Toàn chạy xe ôm ở chân cầu vượt trước cổng Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Qua theo dõi thông tin, tôi biết quy định đó mà chưa biết phải làm sao. Áp dụng phạt thì cũng văn minh, nhưng không phải lúc nào con người cũng chủ động được việc đó.
Nhiều nhà VSCC ở Hà Nội chỉ để có do không phát huy được tác dụng, bị che khuất, không có người trông coi. |
"Lái xe ôm như chúng tôi, cả ngày ngoài đường, tối mới về nhà. Tôi nói thật là cũng hay tiểu bậy. Nhà vệ sinh có phải chỗ nào cũng có và thuận tiện để đi vào đâu. Mà nếu đi tiểu tiện bị bắt, lấy đâu ra 3 triệu mà nộp", anh Toàn nêu lý do.
"Theo tôi, cần có hệ thống nhà VSCC ở những nơi thuận tiện cho người dân rồi thì mới nên xử phạt ở những nơi thuận tiện cho người dân rồi thì mới nên xử phạt”, anh Toàn mong muốn.
Một điểm "tè bậy" lý tưởng dưới chân cầu Long Biên. |
Nhiều lái xe taxi và xe ôm khác cũng cho rằng: “Muốn tè đúng chỗ nhưng nhiều khi đi cả vài km cũng không có lấy một nhà VSCC, buộc phải tè bậy”.
Nhà VSCC vừa thiếu, vừa bẩn
Theo ghi nhận, hiện nay ở hầu hết các tuyến phố (cả trung tâm và lân cận) ở Hà Nội có rất ít điểm nhà VSCC, một số nhà VSCC đặt không hợp lý, bị che khuất, một số có nhưng cửa đóng suốt ngày. Nhà VSCC chỉ hoạt động đến 19 giờ tối…
Ghi nhận tại nhiều tuyến đường như Giảng Võ, Cầu Giấy, Đê La Thành, Kim Mã, Phạm Hùng, Trường Chinh, Giải Phóng, Trần Khát Trân, Nguyễn Khoái – Trần Nhật Duật… dù đây đều là các tuyến giao thông có mật độ phương tiện lưu thông rất lớn nhưng để tìm được một nhà VSCC thì mỏi mắt cũng không thấy.
Hà Nội đang thiếu nhiều nhà VSCC như thế này. |
Minh chứng cho điều này là trên tuyến đường Trần Nhật Duật - Yên Phụ, người dân quen gọi là con đường gốm sứ, có đến hàng trăm điểm tè bậy. Mùi khai bốc lên ai đi qua cũng rất khó chịu.
“Thỉnh thoảng lại thấy có xe bồn chở nước của công ty môi trường đến xịt nước vào chân tường để rửa, mùi khai bốc lên lần nữa, nước chảy ra đường mất vệ sinh…”, chị Lan bán trà đá gần cầu Long Biên cho biết.
Bên cạnh đó, rất nhiều nhà VSCC bị phản ánh là bẩn và xuống cấp. Như nhà VSCC khu vực gầm cầu Long Biên, giá mỗi lần đi vệ sinh là 3.000 đồng. Thế nhưng chỉ cần đến gần, mùi khai đã bốc lên nồng nặc. Bước vào trong, không gian vừa tối vừa nặng mùi khiến không ít người nhăn mặt.
Thiếu úy Trần Văn Phương, Đội Cảnh sát Môi trường- Công an quận Hoàng Mai cho biết, hiện việc xử lý người có hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy sẽ được tiến hành thường xuyên, cùng với đó là công tác tuyên truyền đến người dân.
Đi tiểu bậy sẽ bị phạt đến 3 triệu đồng: Phạt ai – Ai phạt?
Tuy nhiên, nhiều người bị bắt, bị nhắc nhở đều viện ra lý do là không có, không đủ nhà VSCC nên bắt buộc phải “đi ngoài đường” chứ thực tế không ai muốn vi phạm, bị bắt và “bêu tên”.
“Để pháp luật được thực thi nghiêm minh và để người vi phạm “tâm phục” thì cũng nên nghiên cứu lắp đặt thêm nhà VSCC cho người dân”, Thiếu úy Trần Văn Phương đề xuất./.
-Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tại 10 quận nội thành và thị xã Sơn Tây của TP. Hà Nội có khoảng 350 nhà vệ sinh công cộng (VSCC). Trong đó, có 263 nhà VSCC cố định, phân bố chủ yếu ở các ngõ, phục vụ người dân trong các khu dân cư, khu tập thể. Số còn lại được bố trí tại các địa điểm như công viên, vườn hoa, các khu vui chơi, giải trí... Tính trung bình mỗi quận có 30 nhà VSCC.
-Mới đây, UBND TP Hà Nội đồng ý chủ trương một đơn vị đầu tư 1.000 nhà vệ sinh công cộng, 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước tự động uống trực tiếp và 200 ghế đặt tại các nơi công cộng trên địa bàn thành phố để phục vụ cộng đồng. Ngược lại doanh nghiệp này được khai thác quảng cáo trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trên địa bàn thành phố trong thời gian 10 năm.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội đồng ý về chủ trương để Vinasing triển khai thực hiện dự án đầu tư 1.000 nhà vệ sinh công cộng, 10 xe bồn chuyên dụng (loại Hyundai, Hàn Quốc), 50 cây lọc nước tự động uống trực tiếp và 200 ghế đặt tại các nơi công cộng trên địa bàn thành phố để phục vụ cộng đồng; Công ty Vinasing được khai thác quảng cáo trong phạm vi cho phép, theo đúng các quy định của pháp luật trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trên địa bàn thành phố trong thời gian 10 năm để thu hồi vốn, đồng thời, chịu trách nhiệm duy tu, duy trì các cầu vượt theo quy định. Nội dung, thời gian quảng cáo, vật liệu sử dụng cụ thể và phải được thành phố phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.