Hai ngày qua, hình ảnh một "quý ông" dừng xe giữa phố Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) rồi tè ngay giữa dải phân cách gây bão dư luận. Chuyện “tiểu đường” ở Hà Nội và các thành phố lớn không còn là chuyện lạ ở Việt Nam. Bởi thế mới có chuyện vui là khách du lịch cứ thắc mắc Việt Nam có cái vịnh gì mà nổi tiếng thế, đi đến đâu cũng thấy quảng cáo “Cam Dai bay”. 

Phải nói thêm rằng, những tấm biển này do người dân quá bức xúc mà viết, vẽ ra chứ hiếm khi thấy cơ quan quản lý can thiệp. Và thực tế là nước mình cũng chưa có ai bị phạt vì hành vi tè bậy. Cho nên, chuyện “đái đường” là khá phổ biến, nhan nhản, ngày nào cũng bắt gặp trên những con phố đông người qua lại, ở những hàng cây, bờ rào… Vậy nhưng vì sao lần này, câu chuyện tè bậy lại gây xôn xao dư luận như vậy?

te_bay_jznz.jpg
Đã tìm ra danh tính "quý ông" tè bậy trên phố Huỳnh Thúc Kháng

Nếu nhìn vào hình ảnh được đưa lên các diễn đàn, trang mạng xã hội thì đây rõ ràng là hình ảnh một người đàn ông lịch thiệp, mặc comple, đi xe ô tô mà lại coi giữa phố phường đông đúc là góc vệ sinh của nhà mình thì kể cũng lạ.

Xưa nay, người ta chỉ nhìn thấy các ông đứng “dí” vào bờ tường, gốc cây chứ ai dám hiên ngang thế này? Có người bảo là do “dân trí thấp”. Chưa chắc đã phải, vì nếu “trí” của người này thấp thì anh ta đã không thể có vẻ ngoài hào hoa, phong nhã như vậy. Trong trường hợp này, "tiếng gọi từ thiên nhiên" và bản năng đã chiến thắng tất cả để người đàn ông này có thể hiên ngang làm một việc bị cho là mất lịch sự, thiếu văn hóa, trơ trẽn ngay giữa thanh thiên, bạch nhật.

Câu chuyện không còn gói gọn trong hành vi của một con người mà gióng lên nhiều điều phải suy ngẫm. Đó là cách hành xử của mỗi công dân, là những thói hư tật xấu của người Việt, là những câu hỏi dành cho những nhà quản lý, quy hoạch Thủ đô…

Với một đô thị lớn như Hà Nội, mật độ dân số dày đặc và ngày càng có xu hướng gia tăng, thì để tìm được một nhà vệ sinh công cộng lại khó hơn tìm kim đáy bể. Hàng loạt chung cư cao tầng được xây dựng trong phố khiến tình trạng ùn tắc giao thông liên tục xảy ra. Với một hệ thống hạ tầng giao thông như hiện nay cộng với các dịch vụ công cộng yếu kém thì mỗi khi muốn “giải quyết nỗi buồn” thì chỉ có nước “giấu mặt đi và xả vào bờ tường, gốc cây” là nhanh nhất.

Hành động của "quý ông" này bị nhiều người lên án, nhưng có lẽ trong hoàn cảnh của anh chàng này là “bất khả kháng” chăng?

Danh tính “soái ca” tè bậy giữa đường đã được xác định. Hành động làm xấu mặt người thủ đô đã rõ ràng. Nhưng giờ xử lý ra sao lại là bài toán khó. Việc xử phạt hành vi tè bậy không thuộc thẩm quyền của CSGT nên đội CSGT khu vực này sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng khác thì may ra mới có thể xử lý được.

Nhìn ra các nước xung quanh, cụ thể là Singapore, họ có những qui định khắt khe, nghiêm ngặt, nhưng thực sự hướng con người tới sự văn minh, lịch thiệp. Chỉ cần khạc nhổ nơi công cộng là bị phạt tiền. Tại đảo quốc Sư tử, hút thuốc lá trong nhà cũng phạm luật. Hút thuốc lá bị cấm trên tất cả con đường và cây cầu dành cho người đi bộ, các trạm dừng xe bus. Bạn chỉ được hút thuốc ở những nơi được cho phép, có gạt tàn để sẵn.

Còn ở Việt Nam thì sao? Dù chúng ta đã có Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, cấm hút thuốc ở nơi công cộng, bệnh viện. Nhưng thực tế nếu có dịp vào Bệnh viện K Trung ương, người ta vẫn phì phèo hút thuốc lá giữa chốn đông người mà chẳng ai bị phạt, chẳng ai nhắc nhở.

Chúng ta cũng đã có Luật Thủ đô ban hành ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Theo Luật Thủ đô, “Người dân Thủ đô có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tích cực tham gia xây dựng chính quyền, nếp sống văn minh, thanh lịch, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô”.

Xem ra, dù có luật pháp điều chỉnh nhưng ý thức con người mới là quan trọng. Hành động tè bậy của một "quý ông" giữa phố phường Hà Nội bị xã hội lên án nhưng điều đáng lo không kém là sự thiếu trách nhiệm của các nhà quản lý, các nhà quy hoạch đô thị. Dường như họ xây nhà cho dân ở nhưng lại...quên mất không xây nhà vệ sinh?!/.